Trong nước

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng: Tạo cơ chế thông thoáng cho KH&CN phát triển

  • Tác giả : Mai Loan
TSKH Phan Xuân Dũng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch VUSTA khẳng định, KH&CN là quốc sách hàng đầu, phát triển đất nước phải dựa vào KH&CN, cần có cơ chế thông thoáng cho sự phát triển này.
Phát triển đất nước phải dựa vào khoa học và công nghệ
Trao đổi bên hành lang Quốc hội với PV Tri thức và Cuộc sống, Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết, trong Kỳ họp này có rất nhiều nội dung đã được đại biểu Quốc hội quan tâm, trao đổi rất sôi nổi để tìm ra giải pháp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
DBQH Phan Xuan Dung: Tao co che thong thoang cho KH&CN phat trien
Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội.
Tuy nhiên, những khó khăn đó muốn giải quyết một cách bài bản thì phải dựa trên nghiên cứu khoa học thực sự. Đây là khoa học chung về quản lý, công nghệ, sản xuất… Các đại biểu phải đặt ra những bài toán, vấn đề để các nhà khoa học nghiên cứu một cách thấu đáo, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp thực sự logic, phù hợp, ổn định lâu dài.
Chẳng hạn, một vấn đề nổi cộm hiện nay là nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới phải rời khỏi thị trường. Điều này do nhiều yếu tố, trong đó có yêu cầu về đổi mới công nghệ, phương thức sản xuất cho phù hợp.
Muốn đổi mới được như vậy, Quốc hội phải có những hành lang pháp lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ. Ngoài ra, phải có cơ chế để làm sao trích lại một phần từ hiệu quả lao động để đầu tư cho khoa học công nghệ.
Chủ tịch VUSTA cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp trích từ 10-15% trước thuế cho quỹ phát triển khoa học công nghệ, nhưng quỹ này sử dụng thế nào cho hiệu quả thì cơ chế vẫn chưa được thông thoáng.
Bên cạnh đó, vấn đề ngân sách cho khoa học công nghệ trong kỳ họp này không được đề cập nhiều. Thực tế, để chi tiêu thế nào cho hợp lý, phục vụ cho sản xuất kinh doanh cũng đang có nhiều vướng mắc. Trong khi đó, cơ chế tài chính là mấu chốt để phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Mà nghiên cứu khoa học đóng vai trò cực kỳ quan trọng, như nghị quyết của Đảng đã chỉ ra, phái triển đất nước phải dựa vào khoa học công nghệ.
“Nếu phát triển đất nước mà lại không dựa vào khoa học công nghệ tức là chưa thực hiện đúng nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Cần phải cụ thể hóa những nội dung này, làm sao để mọi người say sưa, hăng hái, yên tâm nghiên cứu khoa học, đưa ra các giải pháp cụ thể phục vụ sản xuất”, TSKH. Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
2% ngân sách có đủ cho khoa học và công nghệ phát triển?
Đồng quan điểm với Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, khoa học và công nghệ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, nó góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững của kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.
DBQH Phan Xuan Dung: Tao co che thong thoang cho KH&CN phat trien-Hinh-2
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho hay, chúng ta đã từng phấn đấu chi 2% ngân sách cho phát triển khoa học và công nghệ. Đại biểu băn khoăn, liệu con số đó đã đủ để cho khoa học công nghệ phát triển trong bối cảnh hiện nay hay chưa.
“Nhưng điều tôi quan tâm hơn nữa là chất lượng của khoa học công nghệ, nguồn tiền đó sử dụng làm sao hiệu quả. Có cảm giác, hiện chúng ta mới đang theo đuổi số lượng mà chưa được chú trọng hiệu quả của nguồn kinh phí đó. Mặc dù rất ít ỏi, nhưng nếu đạt được 2% đó, trong bối cảnh đất nước khó khăn như thế này, tôi cho là một sự nỗ lực”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết, trong phiên chất vấn sáng nay (7/6) về lĩnh vực khoa học và công nghệ, điều ông quan tâm là việc sử dụng ngân sách chi cho khoa học công nghệ thế nào. Trong đó có việc phân bổ nguồn ngân sách, có cào bằng không, đặt hàng của Nhà nước đối với khoa học công nghệ, chiến lược phát triển trước mắt và trong tương lai… để đất nước ta phát triển, theo kịp với các nước trong khu vực.

Sáng nay (7/6) Quốc hội sẽ chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề lớn:

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.

Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) Phan Xuân Dũng đánh giá về kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan

BẢN DESKTOP