KINH TẾ

Chống thất thu thuế trên nền tảng số xuyên biên giới

  • Tác giả : Vân Tuyết
Thảo luận tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về tình trạng gian lận kê khai, trốn thuế trong thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới. Có ý kiến cho rằng, nên trao quyền điều tra cho cơ quan thuế để chống thất thu.
xuyen-bien-gioi.jpg

Thất thu hàng nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính, tính chung từ năm 2018 đến hết tháng 4/2022, số thuế các tổ chức tại Việt Nam nộp thay nhà thầu nước ngoài đạt hơn 5.111 tỷ đồng. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2022 đạt 437 tỷ đồng. Trong đó, một số tập đoàn lớn như Facebook nộp 1.965 tỷ đồng; Google nộp 1.902 tỷ đồng; Microsoft là 651 tỷ đồng. Hết quý I năm nay, phí phát sinh của TikTok khoảng 45,6 tỷ đồng...

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, vấn đề chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số không mới, tuy nhiên, các giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra vẫn chung chung dưới các cụm từ "nỗ lực", "cố gắng". Bởi vậy, mỗi năm, ngành thuế vẫn thất thu khoảng 85% số thuế phải thu từ Google, Facebook. Số thu thuế từ kinh doanh dựa trên nền tảng số xuyên biên giới của các tập đoàn, công ty công nghệ lớn như Google, Facebook hay Netflix... tại Việt Nam chưa tương xứng với doanh thu rất lớn của các nền tảng này. Điều này không chỉ làm tổn hại tới ngân sách quốc gia mà còn vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những doanh nghiệp trong nước có cùng lĩnh vực hoạt động.

Báo cáo từ Tổng cục Thuế cho biết, hiện có 15 tập đoàn, công ty công nghệ nổi tiếng trên thế giới hoạt động xuyên biên giới có thu nhập lớn tại Việt Nam, trong đó, chỉ riêng doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam là khoảng 1 tỷ USD/năm. Google và Facebook chiếm hơn 80% doanh thu quảng cáo trực tuyến, tức hơn 800 triệu USD. Tuy nhiên, đáng lưu ý, dù doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng số tiền thuế Việt Nam thu được từ 15 tập đoàn trên rất ít ỏi, chỉ hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, số tiền này không phải do họ chi trả, mà họ buộc các nhà thầu, đại lý phải nộp, kê khai nộp thuế nhà thầu thông qua tổ chức chi trả tại Việt Nam. Việc các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỷ USD nhưng không đóng thuế hay đóng nhỏ giọt trong khi doanh nghiệp trong nước phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là một bất công trên thị trường.

Theo Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của thương mại điện tử xuyên biên giới trong thời gian qua đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cơ quan thuế. Đặc thù của các nhà cung cấp ở nước ngoài là không có cơ sở thường trú ở Việt Nam, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua môi trường số và trên các ứng dụng internet… nên các hình thức đăng ký, kê khai, nộp thuế truyền thống không phù hợp và khó thực hiện. Từ đó dẫn đến ngành thuế khó quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế. Việc kiểm soát dòng tiền xuyên biên giới cũng không dễ dàng.

Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật

Thừa nhận thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, mặc dù Tổng cục Thuế đã thiết lập cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, các doanh nghiệp xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam để đăng ký, kê khai nộp thuế nhưng việc quản lý rất khó. Bởi đặc thù của công ty công nghệ là có thể vận hành từ xa, máy chủ đặt ở nước ngoài nên rất khó kiểm soát.

Để quản lý và tránh thất thu thuế trong kinh doanh nền tảng số, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, các quy định về quản lý thuế (thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, doanh nghiệp) sẽ được sửa đổi, bổ sung.

Mặt khác, Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ Thông tin & Truyền thông kiểm tra các sàn thương mại điện tử, Zalo, Facebook và một số nền tảng khác, để truy thu thuế. Về lâu dài, trưởng ngành tài chính sẽ phải xây dựng một hệ thống công nghệ để kiểm soát và tự động thu qua hệ thống ngân hàng.

Bộ Tài chính đã xây dựng cổng, quy định mức thu và thông báo, vận động, giải thích để các sàn thương mại điện tử cũng như các ông chủ công nghệ đăng ký nộp thuế. Tuy nhiên, dư luận cho rằng sàn thương mại điện tử giống như "chợ", là trung gian kết nối nên không thể bắt chủ "chợ" nộp thay người bán. Hiện dự thảo Thông tư quy định việc các sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán đã tạm dừng để nghiên cứu thêm.

Để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Tổng cục Thuế cũng đã trình Bộ Tài chính phê duyệt Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử gồm: Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; phối hợp các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội để quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; hiện đại hóa công tác quản lý thuế một cách toàn diện theo hướng áp dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo...

Nhằm có biện pháp răn đe đối với những hành vi vi phạm pháp luật về thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, có ý kiến cho rằng, nên trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho cơ quan thuế. Phản biện về ý kiến này, một số chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc kỹ bởi nếu cho phép cơ quan thuế có chức năng điều tra thì phải tính đến chất lượng nhân sự, phải tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo những cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ điều tra, am hiểu Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự. Thay vì giải bài toán điều tra, Bộ Tài chính nên sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan sao cho đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành để tránh chồng chéo, hoặc tránh việc thoái thác nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng; tránh việc phình to bộ máy hành chính, nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp.

Hiện Việt Nam có khoảng trên 100 sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, 139 đơn vị chủ sở hữu sàn thương mại điện tử. Trong đó, 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác. Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đến ngày 23/5, cơ quan thuế thu được số thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 735 tỷ đồng, tính riêng số thu 4 tháng đầu năm 2022 đạt 176 tỷ đồng.

(Nguồn: Báo cáo Bộ Tài chính)

Vân Tuyết

BẢN DESKTOP