Đời sống

Chọn thiết bị, dược liệu xông hơi đúng cách, đúng liều lượng

  • Tác giả : Hồng Linh
Theo các chuyên gia, xông không có tác dụng ngăn ngừa hay chữa khỏi Covid-19 mà chỉ hỗ trợ bệnh nhân dễ thở hơn. Lựa chọn thiết bị, dược liệu xông hơi cần đúng cách, đúng liều lượng để tránh những tác hại như bỏng, giãn mao mạch toàn thân, mất nước, hạ huyết áp…
vien-xong.jpg
Dùng thiết bị và viên xông an toàn hơn cho người già và trẻ nhỏ.

Viên xông và thiết bị xông lên ngôi

Rất nhiều người khỏi bệnh truyền tai nhau rằng bị Covid-19 thì nhất định phải xông. Xông hơi trở thành một bí quyết phổ biến trong điều trị căn bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Với số lượng F0 điều trị tại nhà tăng cao như hiện nay, thị trường lá xông, thiết bị và dược liệu xông trở nên vô cùng nhộn nhịp.

Theo khảo sát của phóng viên, thời điểm này gần như nhà nào cũng tích trữ chanh, sả, tinh dầu... khiến giá các thảo dược truyền thống tại chợ đen tăng cao. Một bó lá xông trước chỉ 10.000đ giờ lên gấp đôi, gấp 3 tùy thời điểm. Giá hành lá, tía tô, gừng, sả, chanh... cũng tăng chóng mặt. Cao điểm ngày miền Bắc rét đậm, giá hành lá 50.000đ/kg; sả tăng lên 30.000đ/kg; gừng 35.000đ/kg; chanh 40.000đ/kg...

Do dược liệu xông hơi tươi tại các chợ cóc như sả, gừng, chanh, lá bưởi, vỏ bưởi, hương nhu, tía tô, ngải cứu... khan hàng, nhiều người dân chuyển sang mua viên xông tinh dầu.

Trên thị trường hiện có rất nhiều loại viên xông: Viên xông hương tràm (28.000đ/hộp); viên xông Euca - OPC (29.000đ/hộp); viên xông hương tràm ngải cứu thông đỏ (30.000đ/hộp); viên xông hương tràm tía tô gừng gió (30.000đ/hộp); Tắm xông sả gừng tía tô bạc hà quế chi (70.000đ/hộp/10 gói); các loại viên xông trôi nổi của Trung Quốc (20.000đ/hộp)...

vien-xong-c.png

Niêm yết là vậy, nhưng theo khảo sát của phóng viên, do dịch bệnh bùng phát, số lượng người mua lớn, giá tăng gấp đôi, gấp rưỡi tùy thời điểm. Mỗi hộp có 40 viên hoặc 20 viên, mỗi lần xông 1 - 2 viên, tính ra vẫn tiện lợi và rẻ hơn đun lá thảo dược tươi nên nhiều người sử dụng. Người dùng chỉ việc cho vào cốc nước nóng hoặc nồi nước đun sôi là xong. Đương nhiên, thảo dược khô và tinh dầu hương thơm không thể thích bằng các loại lá tươi.

Đi kèm quảng cáo cùng các loại viên xông tinh dầu là các thiết bị xông mặt, mũi, họng với thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi. Dạo quanh các trang thương mại điện tử, thiết bị xông có rất nhiều chủng loại. Tùy theo kiểu dáng, chất liệu và công nghệ được tích hợp trên máy mà giá vài trăm nghìn tới vài triệu đồng. Phổ biến phục vụ xông mũi họng Covid-19 là những loại mini cầm tay chỉ từ 39.000 - 100.000đ/chiếc tới những loại trang bị công nghệ ion âm, phun sương nano 300.000 - 500.000đ/chiếc.

may-xong-mini-.jpg

Ưu điểm của các thiết bị xông này là nhiệt độ được cài đặt thích hợp, tránh nguy cơ gây các tai nạn khi xông hơi truyền thống như bỏng, ngất, hạ huyết áp, giãn mạch toàn thân... Do thiết kế nhỏ, nước được chứa trong bình kín, lỗ phun sương hẹp hoặc vừa, có thể điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng nên an toàn hơn cho trẻ nhỏ, người già, người hiếu động.

Theo Lương y Bùi Hồng Minh (nguyên Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội), so với việc khan hiếm và tăng giá lá xông, sả, gừng, chanh, tía tô... rồi lích kích đun nấu hằng ngày trong lúc Covid-19 mệt mỏi thì với nhiều người, dùng thiết bị và viên xông tinh dầu là sự thay thế tiện lợi hơn hẳn. Tương tự như khi dùng gừng, chanh, sả, viên xông với các tinh dầu được chiết xuất từ thiên nhiên giúp khoang mũi thông thoáng, dễ thở, giảm ho, dịu họng, giảm tình trạng ngạt mũi, hỗ trợ giảm viêm đường hô hấp do virus, vi khuẩn gây ra.

xong-hoi-c.jpg

Xông hơi đúng cách

Theo Thầy thuốc ưu tú, chuyên gia Dịch tễ Trương Hữu Khanh, xông lá truyền thống hay viên xông đều có tác dụng giúp F0 xuất hiện các triệu chứng cảm cúm dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nhiều người nghiện xông, lạm dụng viên xông và xông thảo dược tươi hằng ngày quá nhiều lần để mong nhanh khỏi Covid-19 lại khiến cơ thể ốm yếu hơn.

Rất nhiều trường hợp nhập viện do bỏng, ngất khi thực hiện xông hơi, nhất là khi thực hiện xông hơi một mình, thiếu kinh nghiệm dễ bị tiếp xúc với nhiệt độ quá cao. Ngoài nguy cơ tai nạn gây bỏng, xông cũng có nguy cơ tổn thương biểu mô đường hô hấp và khiến cơ thể nhạy cảm hơn với virus.

Ở nhiệt độ cao 60 - 70 độ C, thời gian tồn tại của virus trên bề mặt da, trong môi trường giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, với người bệnh Covid-19, virus chủ yếu nằm trong các tế bào. Xông hơi nhiệt độ cao khiến các mô lành lặn bị tổn thương bởi nhiệt sẽ dễ bị nhiễm virus hơn bình thường. Do đó, xông hơi trong giai đoạn sớm thậm chí có nguy cơ làm virus lây lan nhanh hơn trong cơ thể, lợi bất cập hại.

Cùng quan điểm, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Tuyết Lan, nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học Cổ truyền T.Ư cho biết, khí hậu miền Bắc, mùa đông, những vùng thời tiết lạnh có thể áp dụng xông hơi. Mùa hè thời tiết nóng bức, mồ hôi ra nhiều, nếu xông hơi sẽ càng làm cho cơ thể ra nhiều mồ hôi hơn có thể dẫn đến mất nước, thậm chí gây rối loạn điện giải, tụt huyết áp, giãn mao mạch toàn thân, nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo Đông y, xông hơi là biện pháp chữa ngoại cảm phong hàn. Người bệnh bị nhiễm tà khí độc, tà khí còn đang ở ngoài (da), khi dùng hơi nóng và nhiệt làm vã mồ hôi thì có thể trục tà khí độc ra khỏi cơ thể. Bệnh Covid-19 là ôn bệnh, cơ chế gây bệnh hoàn toàn khác với ngoại cảm phong hàn. Do đó, không thể dùng xông hơi diệt virus được.

Khi xông hơi phải thực hiện ở nơi kín gió. Những người đang bị sốt không nên xông. Nếu ngạt mũi nhiều thì nên nhỏ mũi nước muối sinh lý, dùng thuốc co mạch tại chỗ như Otrivin hay Coldi-B, chứ không nên xông nhiều lần mỗi ngày. Chỉ xông mũi họng ngày 1 lần, không xông cả người.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, nên mua thiết bị xông chạy bằng điện để công suất máy khỏe, bền, điều chỉnh được tốc độ bay hơi nước. Khi xông tóc phải buộc, quấn khăn gọn gàng, ngồi ở tư thế thoải mái, điều chỉnh mặt, mũi họng cách máy xông khoảng từ 20 - 25cm. Cần nhắm mắt và dùng khăn thấm nước quanh mắt để tránh tinh dầu vào mắt gây cay, kích ứng. Chỉ xông tối đa từ 10 - 15 phút để an toàn cho da và đường hô hấp.

Người già yếu, mắc bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể khi xông phải có người hỗ trợ, giám sát. Trong lúc xông, nếu choáng váng, khó thở, tức ngực... cần dừng ngay. Không áp dụng xông cho trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu.

Theo kết quả nghiên cứu thực tế từ những bệnh nhân Covid-19 có xông mũi họng bằng tinh dầu bạch đàn, chanh, sả tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 1 (TPHCM), người bệnh có cải thiện các triệu chứng hô hấp sau 3 - 5 ngày, nhưng không rút ngắn thời gian điều trị so với những người không xông.

Cách xông tỏi phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19

Theo GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, trong tỏi có alisil có tác dụng diệt virus rất mạnh và làm tan cục máu đông. Xông tỏi cũng là một cách hỗ trợ phòng ngừa và điều trị Covid-19 rất tốt. Tỏi được giã nhỏ, để 5 phút trong không khí cho sản sinh alisil. Bỏ tỏi vào cốc hoặc bát nước sôi già xông mặt. Có thể dùng hỗn hợp 2 - 3 củ tỏi, gừng, sả tươi cho vào đun rồi trùm khăn xông mặt mũi họng. Xông tối đa 10 - 15 phút, lau khô mặt, tránh ra gió. Khi xông hít thật mạnh bằng mũi cho hỗn hợp hơi nước cùng chất alisil vào phổi giúp diệt virus và tan các cục máu đông.

Hồng Linh

BẢN DESKTOP