Bình luận

Chới với vì thiếu nền tảng đạo đức

Chới với vì thiếu nền tảng đạo đức, đó là chia sẻ của Sư thầy Thích Diệu Bản, Phó viện trưởng, Trưởng phòng đào tạo công tác sinh viên Học viện Phật giáo Việt Nam trước sự việc nhiều người trẻ bị lôi kéo vào hội thánh Đức chúa Trời.

Sư thầy Thích Diệu Bản.

Phải tìm nơi học đạo đức là đáng lo

Được biết nhiều năm nay chùa Bát Phúc có tổ chức lớp học giáo lý về đạo làm người cho các em học sinh và được rất nhiều người hưởng ứng?

Hiện nay chùa chỉ còn duy trì lớp học tiếng Anh vào cuối tuần. Lớp học về giáo lý thì phải nghỉ. Thứ nhất là vì thầy bận việc trên Học viện Phật giáo, mỗi tháng chỉ có 4 ngày về chùa. Thứ hai là, các cháu đến đông mà cơ sở vật chất của chùa thì chưa đủ để bố trí lớp học.

Đông người đến, chứng tỏ trẻ con hứng thú với việc học này?

Thật ra thì trẻ con đứa nào chả thích tự do, đang rông rỡ thoải mái phát triển, tự nhiên bị cho vào khuôn, chả ai thích cả. Nhưng phải tạo cho các em một cái khuôn, phải tạo hứng thú, niềm vui cho thành cái nếp.

Trước tiên là do người lớn quan tâm, rồi trẻ con đi theo bạn bè đến…, đấy cũng là tác động rất tốt. Người ta đến rồi, mình cho họ cái gì để họ hứng thú lần sau lại đến tiếp. Đấy mới là vấn đề.

Không duy trì được lớp học này, thầy có tiếc không ạ?

Cũng tiếc chứ. Vì khi mình làm cái gì, nó như đứa con tinh thần vậy, muốn nó lớn mạnh, phát triển, không muốn nó chết yểu. Nhưng cái này thất bại, thì phải tìm hướng khác.

Hiện nay trên Học viện Phật giáo chúng tôi đào tạo mỗi khóa 600 thầy, tức là sẽ có những người làm công việc ấy bằng 600 lần mình làm.

Ngoài ra, còn nhiều chương trình đào tạo ngoại khóa cho học sinh.Thậm chí có doanh nghiệp cũng đề nghị lên chương trình dạy đạo đức kinh doanh cho cán bộ, nhân viên của họ.

Việc nhiều người tìm đến đây để học là điều đáng mừng?

Người ta phải tìm nơi để học về đạo đức là đáng lo đấy. Trong gia đình không dạy được, đến trường cũng chỉ dạy kiến thức không dạy về đạo đức. Khiến cho người trẻ chới với, mất phương hướng, chỉ cần có cái phao là họ bám vào ngay. Như việc nhiều bạn trẻ bị lôi kéo vào hội Thánh Đức chúa Trời là một minh chứng. Đó là sự báo động về định hướng đạo đức xã hội.

Con người ta chả còn biết thế nào là nền tảng căn bản của đạo đức cả. Thí dụ tiên học lễ hậu học văn là gì, trước hết phải lễ phép, kính trọng thầy cô, tôn trọng bạn bè… chả cần cái gì to tát cả, những cái đấy là nề nếp, là đạo đức tối thiểu. Khi người ta biết tôn trọng người đối diện, người lớn hơn mình, đó là đã dẹp bỏ được cái bản ngã và tự nhiên thấy nhỏ bé.

Chưa có khuôn mà cứ để tự do phát triển thì hỏng

Thầy có nói phải dẹp bỏ bản ngã. Tại sao phải dẹp bỏ mà không phải khẳng định bản ngã, thưa thầy. Vì bây giờ người ta giáo dục trẻ con theo hướng tự do phát triển?

Đó là học theo phương Tây, trong khi nếp nghĩ của chúng ta là của người phương Đông, đâu có giống người phương Tây. Phương Tây có hàng mấy trăm năm đào tạo theo kiểu để phát triển tự do, nhưng tự do cũng phải trong khuôn khổ. Mình chưa có cái khuôn để định hình cho phát triển tự do, mà cứ để cho tự do phát triển thì hỏng thôi.

Ngoài gia đình, nhà trường, xã hội, tôn giáo cũng là một kênh để dạy về đạo đức?

Không đổ hết cho cơ sở tín ngưỡng được, chỉ hỗ trợ thôi. Cái chính vẫn là từ nền giáo dục quốc dân. Bổn phận của người phật tử là hành đạo. Hành đạo là đem những điều chân thiện mỹ vào cuộc đời, xây dựng cuộc đời. Ai ý thức được thì tự giác làm chứ không ai bắt buộc người ta cả.

Hơn nữa, phải tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, tùy theo căn cơ của những người xung quanh mình. Căn cơ là trình độ, khả năng nhận thức, cơ duyên của mỗi người.

Một chân lý hay mà mình đưa ra không đúng lúc thì nó lại trở thành phản tác dụng. Một chân lý hay mà nói với người chưa đủ trình độ nhận thức về điều đó cũng phản tác dụng. Thành ra là việc làm này phải là sự linh hoạt.

Thưa thầy, nhiều người lên chùa không phải để nghe giáo lý nhà Phật mà là để cúng bái, bày lễ rất rầm rộ, phô trương, nhưng tại sao nhà chùa không cấm những cái đó?

Những người đi chùa đâu phải tất cả đều là phật tử. Có những người đi chùa để cầu xin, vì họ tin tưởng vào đức Phật. Nhà chùa không có quyền cấm những việc ấy.

Bởi vì Phật giáo luôn dung hòa với tín ngưỡng bản địa. Trong chùa thờ cả 3 tín ngưỡng: Phật giáo, đạo mẫu và tín ngưỡng bản địa thờ tổ tiên, những người có công… Có người đến với Phật, có người đến với mẫu, với các vị thánh khác…

Nếu cấm cả những người đấy thì họ sẽ đi tìm cái khác, không có cơ duyên để cảm hóa được họ. Đạo Phật là từ bi. Đức Phật không dạy phật tử ngăn cản niềm tin của người khác và không bắt ai phải theo mình.

Phải có cái nhìn trung đạo

Nhưng như thế thật khó, vì ngoài kia lối sống vật chất luôn được tuyên truyền quá mạnh. Lại còn những giáo phái cực đoan lôi kéo con người ta đi theo?

Tư tưởng đạo Phật là dung hòa, không lên án cái gì, cũng không tuyên truyền quảng bá, như thế gọi là ăn xổi, chụp giật. Khi người ta thấy tốt thì tự tìm đến thôi, không áp buộc.

Phương pháp hành đạo và giáo dục đạo đức cũng tùy theo từng đối tượng, tùy theo từng người mà dạy chứ không có phương pháp cố định.

Nhưng tất cả đều phải đưa con người về chính đạo. Muốn hóa độ cho gái lầu xanh phải vào lầu xanh, hóa độ cho đồ tể phải vào đó…

Thế nên, có những sự việc ta thấy rõ ràng là sai trái nhưng chưa chắc đã sai. Có những việc tưởng là phi đạo đức, lại là tuyệt đỉnh của đạo đức.

Vậy làm thế nào để biết đúng sai, thưa thầy?

Phải có trí tuệ để biết phân biệt đúng sai. Quan trọng là đừng vội phán xét, chỉ trích điều gì. Một nửa sự thật chưa phải sự thật. Một người luôn đi làm từ thiện nhưng có khi đó lại là cái vỏ bọc để che đậy những việc xấu xa. Thiện nhưng chưa chắc là thiện. Người chửi tham nhũng có khi đặt vào vị trí đó còn tham nhũng hơn.

Muốn hiểu người khác phải đặt mình vào vị trí của người ta, không thể ngồi ở cái góc của mình mà phán xét. Vì vậy phải có cái nhìn trung đạo, không nên thiên lệch về bên nào, trong cái xấu hàm chứa cái tốt mà mình không lường được.

Càng ngày con người ta càng có cái nhìn thiên lệch, nhất là trên mạng xã hội. Trước một sự vật hiện tượng, chưa biết rõ đầu đuôi đã xông vào ném đá?

Đó là sự nhìn nhận một chiều, và phản ứng đó chưa chắc đã là xấu. Bởi vì họ chỉ thấy như vậy, rồi buông ra một câu để thỏa mãn ức chế của mình, xong rồi chưa chắc đã nhớ những gì họ làm.

Phản ứng vô thức không nói lên cái gì nhiều. Nó chỉ là cảm xúc nhất thời thôi, không phải là cái gì nhân bản hay nền tảng đạo đức của họ. Kể cả có gây tác động nào đó thì cũng chỉ hời hợt thôi. Những cái vô thức như thế nhiều lắm.

Vậy theo thầy, điều gì thực sự nghiêm trọng đối với đạo đức ngày nay?

Đó là việc tuyên truyền quá nhiều về chém, giết, Nghe nhiều về cướp, giết thì con người ta như bị kích động. Trong con người có hai loại hạt giống tốt và xấu. Tưới hạt giống nào thì nó lên hạt giống đấy.

Nếu cứ mở mắt ra đã thấy cướp, thấy giết, càng gây hiệu ứng người dân coi như đường mòn lối cũ, coi là bình thường, thấy cuộc sống là như vậy. Đưa những cái nhân văn lên thì người ta được nuôi dưỡng bằng những cái đó.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Nhật Minh thực hiện

BẢN DESKTOP