Y học và đời sống

Chói mắt, sụt cân... dễ bệnh tuyến giáp

  • Tác giả : Thuý Nga
Nhiều người đi khám tuyến giáp khi thấy xuất hiện bướu cổ mà không biết dấu hiệu chính của bệnh này lại là chảy nước mắt, chói mắt, run tay chân, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tiến Lãng, Nguyên Trưởng khoa Ngoại chung, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết, cường giáp là hội chứng, tức là không phải bệnh riêng biệt. Có nhiều bệnh gây ra hội chứng này. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cường giáp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, gồm loạn nhịp tim, suy tim, cơn bão giáp trạng, lồi mắt ác tính...

3 năm chữa mắt lồi to mới biết bệnh do tuyến giáp

Hơn 3 năm, chị Đ.T.M. (55 tuổi, Hải Phòng) đi nhiều nơi chữa mắt lồi. Từ năm 2020, chị thấy mắt lồi khó chịu, đi khám, bác sĩ kết luận viêm mắt, được chỉ định mổ cắt mí, bóc mỡ.

Nữ bệnh nhân điều trị chuyên khoa mắt gần 3 năm không đỡ, mắt ngày càng lồi to không nhắm được, thường chảy nước mắt, chói và nóng rát, thị lực giảm nghiêm trọng. Chỉ đến khi chị M. sụt 15 kg, xét nghiệm máu đường huyết cao mới đi khám nội tiết và được kết luận bệnh bướu giáp lồi mắt (basedow) độ 3 không có nhân.

Điều trị thuốc, chị thấy mắt dễ chịu hơn nhưng tiếp tục lồi và như có gai sạn đâm. Bác sĩ khuyên chị phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp nếu không sẽ mù.

Thăm khám cho bệnh nhân tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Thăm khám cho bệnh nhân tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tiến Lãng, bướu giáp lồi mắt là một bệnh tự miễn phổ biến 60 - 80% các trường hợp cường giáp gây nhiễm độc. Bệnh không chỉ gây bướu cổ, nhiễm độc giáp, tim mạch, run đầu chi, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt.

Basedow là bệnh lý của tuyến giáp. Bệnh xuất hiện do tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormon. Hàm lượng hormon giáp cao trong máu gây ra những tổn hại về mô và chuyển hoá. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, song phần lớn là ở độ tuổi lao động, nữ nhiều hơn nam. Với bệnh basedow, ngoài triệu chứng điển hình như bướu cổ, rối loạn tim mạch, thì lồi mắt là một trong những dấu hiệu hay gặp.

Nhiều trường hợp không phát hiện nhân bướu cổ nhưng mắt vẫn lồi và tim đập nhanh. Nguyên nhân gây lồi mắt là thâm nhiễm tế bào Lympho đi kèm với sự phù nề của các mô, ở hốc mắt và sau nhãn cầu gây ra. Những thành phần này đẩy nhãn cầu ra phía trước làm cho mắt bị lồi. Cơ mi trên của mắt co lại, nhìn thấy cả vùng củng mạc trắng ở phía trên.

Đi kèm chứng lồi mắt, bệnh nhân thường cảm thấy chói mắt, chảy nước mắt, cảm giác như có bụi bay vào mắt hoặc rất nóng rát. Bên mắt lồi thường long lanh hơn bình thường, ít chớp mắt, người bệnh không nhắm kín mắt khi ngủ.

Khi bị lồi quá mức, mắt sẽ không nhắm kín, mi hở nên giác mạc dễ viêm loét và tổn thương. Không điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiễm trùng mắt. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị khô và loét giác mạc là nguyên nhân gây mù lòa vĩnh viễn.

Độ lồi mắt nhiều hay ít không liên quan bướu cổ của bệnh nhân to hay nhỏ. Mắt có thể lồi rất nhiều trên những bệnh nhân có bướu cổ nhỏ và ngược lại có thể lồi rất ít trên bệnh nhân bướu cổ to. Lồi mắt thường xảy ra ở cả hai mắt, đôi khi rõ rệt ở một bên hơn là bên kia. Cũng có người chỉ bị lồi một bên mắt nhưng rất hiếm gặp. Y văn cũng ghi nhận bệnh nhân bị nổ mắt vì lồi quá to.

Bệnh ở giai đoạn nhẹ, có thể điều trị bằng thuốc, sử dụng xạ trị, nhưng đến giai đoạn nặng bắt buộc phải phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, kể cả tuyến giáp không nhân. Khoảng 30% số bệnh nhân sẽ hết lồi mắt sau khi phẫu thuật, thường là người bị lồi mắt ở mức độ nhẹ và vừa.

Sợ phẫu thuật hoặc để lồi quá to mới mổ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng thị lực, mà việc điều trị phức tạp hơn nhiều. Ngoài mổ cắt tuyến giáp, bệnh nhân còn phải phẫu thuật tạo hình mắt, làm giảm áp hốc mắt… nhưng không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả như mong muốn.

Bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân mắc tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân mắc tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Một hội chứng gồm nhiều bệnh

ThS.BS Nguyễn Văn Thái, Viện Y học Phóng xạ và Ung bướu Quân đội, cho biết thêm, mọi người thường hay đi khám tuyến giáp khi thấy xuất hiện bướu cổ mà không biết dấu hiệu chính của bệnh này, đặc biệt cường giáp nguy hiểm lại là:

Hồi hộp đánh trống ngực: Cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực, có thể cảm thấy đau ngực, khó thở.

Sợ nóng: Do mức chuyển hóa cơ bản cao, thân nhiệt của người bệnh cường giáp thường cao hơn bình thường, người bệnh thường không chịu được những nơi có nhiệt độ cao hay thời tiết nóng nực.

Tiêu chảy: Tình trạng tiêu chảy kéo dài có thể là dấu hiệu bệnh cường giáp, nguyên nhân là nhu động ruột tăng thường xuyên.

Run tay: Triệu chứng run tay khiến bệnh nhân không thể tự kiểm soát, thường run với tần số nhanh và biên độ nhỏ.

Bướu cổ: Vùng cổ, nơi chứa tuyến giáp phình to, nguyên nhân là tuyến giáp bị phì đại.

Sụt cân: Người bệnh cường giáp thường bị sụt cân, dù chế độ ăn vẫn như bình thường, thậm chí là nhiều hơn, có thể sụt nhiều kilogram trong 1 tháng.

Ra mồ hôi nhiều: Cùng tình trạng sợ nóng, người bệnh cường giáp thường xuyên ra mồ hôi, thậm chí cả khi không vận động gì, chỉ ngồi yên một chỗ.

Thay đổi tính tình, dễ cáu giận, lo lắng.

Rối loạn giấc ngủ: Người bệnh cường giáp hay khó ngủ, giấc ngủ không yên, giấc ngủ ngắn hơn bình thường.

Mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, người bệnh không muốn vận động nhiều....

Cường giáp là hội chứng, không phải bệnh riêng biệt. Có nhiều bệnh gây ra hội chứng này, trong đó có thể kể đến bệnh basedow - bệnh cường giáp hay gặp nhất với bướu cổ có lồi mắt, cường giáp; cường giáp do bướu nhân độc tuyến giáp, viêm tuyến giáp....

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cường giáp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm:

Biến chứng tim mạch: Tình trạng nhịp tim nhanh thường gặp ở bệnh nhân cường giáp, các rối loạn nhịp nghiêm trọng hơn như rung nhĩ có thể gặp phải. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng suy tim ở người bệnh cường giáp.

Cơn bão giáp: Khi tình trạng hormone tăng quá cao, các triệu chứng đột ngột trở nên nặng nề, lúc này, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.

Lồi mắt ác tính: Trong cường giáp do bệnh basedow, người bệnh có thể bị lồi mắt, thường xuyên chảy nước mắt và nhạy cảm hơn đối với ánh sáng, hay kèm theo viêm kết mạc, tổn thương giác mạc.

“Khi có biểu hiện ăn nhiều, nói nhiều, gầy nhanh, tim đập nhanh, hồi hộp trống ngực, cảm giác tức mắt, khô mắt, mi khép không kín…, cần đi xét nghiệm hormon tuyến giáp. Phát hiện và điều trị sớm sẽ tránh tình trạng lồi mắt gây mù lòa hoặc gặp phải các biến chứng cơn bão giáp trạng gây nguy hiểm tới tính mạng…”, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tiến Lãng khuyên.

Lối sống phòng bệnh

Người bệnh cường giáp cần lưu ý phân chia thời gian làm việc hợp lý, có thời gian nghỉ ngơi và hạn chế lao động quá sức, không thức khuya và tránh để đầu óc bị căng thẳng.

Không nên ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ đông lạnh; thực phẩm giàu chất béo; nhóm thực phẩm nhiều tinh bột như lúa mì, lúa mạch, mì ống; nhóm thực phẩm ngọt, nhiều đường và nội tạng động vật. Đặc biệt, nên loại bỏ muối i-ốt và các thực phẩm có chứa i-ốt.

Người bị cường giáp cũng nên hạn chế các loại quả nhiều đường như vải, nhãn, sầu riêng, mít…, thay vào đó là các loại quả giàu chất chống oxy hóa như dâu tây, việt quất, kiwi, cam, quýt, cà chua, bí đỏ, ớt chuông.

Cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin và acid béo omega-3 như cá hồi, hạt óc chó, dầu olive, đồng thời tăng thực phẩm giàu kẽm, protein, canxi.

Không nên tập luyện quá sức, hoạt động mạnh. Bệnh nhân nên dành thời gian nghỉ ngơi, không nên ra nắng quá lâu, hạn chế sờ tay lên cổ để kiểm tra tuyến giáp.

Có thai khi đang điều trị cường giáp, phải làm sao?

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết, đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những phụ nữ bị Basedow (cường giáp) mong có thai thì lý tưởng nhất là đợi khỏi bệnh hoặc ngừng thuốc mới có thai là an toàn nhất. Trường hợp Basedow đã điều trị I-131 thì chỉ nên có thai sau ít nhất 6-12 tháng và đã kiểm soát được tình trạng cường giáp.

Tuy nhiên nếu có thai trong khi đang uống thuốc kháng giáp trạng tổng hợp thì cần bình tĩnh thực hiện những việc sau:

- Tạm ngừng các thuốc đang dùng: Thuốc kháng giáp (Thyrozol, Carbimazol, PTU...), thuốc chẹn beta (như Bisoprolol, Metoprolol...)

- Đi làm ngay các xét nghiệm FT4 và TSH đánh giá chức năng tuyến giáp ở tại thời điểm đó

- Khi có kết quả thì liên hệ ngay để được bác sĩ chuyên khoa Nội tiết khám hoặc tư vấn sớm.

1. Nếu đã đạt bình giáp hoặc cường giáp nhẹ thì có thể mang thai bình thường, nhưng cần khám lại thường xuyên mỗi 4 tuần. Tuy nhiên nếu mẹ đã bị biến chứng tim mạch như suy tim, rung nhĩ... thì cần kiểm tra kỹ chức năng tim mạch để quyết định khả năng giữ thai.

2. Nếu bị suy giáp hoặc cường giáp nặng thì cần trao đổi kỹ với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, (và cả bác sĩ sản) về khả năng giữ thai, nguy cơ bị các biến chứng ở mẹ và con trong thời gian mang thai cũng như lúc sinh.

3. Những trường hợp tiếp tục giữ thai có thể sẽ phải thay đổi loại thuốc, liều thuốc hoặc có thể được ngừng thuốc vì mục tiêu điều trị lúc đó là FT4 ở mức cao của bình thường chứ không cần TSH bình thường để tránh nguy cơ mẹ bị suy giáp, sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

Lưu ý là ngay cả với những phụ nữ khỏe mạnh, không dùng thuốc gì thì cũng không có nghĩa là quá trình mang thai sẽ an toàn và thai nhi sẽ chắc chắn bình thường.

Thuý Nga

BẢN DESKTOP