Giáo dục

Chơi game: Từ thói quen đến nghiện không quá xa

  • Tác giả : Mai Loan
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cảnh báo, khi để trẻ hình thành thói quen chơi game sẽ rất khó bỏ. Và con đường từ thói quen đến nghiện game không quá xa.

Con chỉ mong đến giờ để được chơi game

Chị Nguyễn Lan Anh (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, từ khi chuyển sang học online, con chị chơi game nhiều hơn.

Khi TP Hà Nội hết giãn cách, cả hai vợ chồng chị đều phải đi làm. Toàn bộ thời gian hai con ở nhà (con gái đầu học lớp 8, con trai thứ học lớp 6) ban ngày đều không có bố mẹ kiểm soát, chỉ có giúp việc ở nhà cùng. Tuy nhiên, giúp việc thì không thể giám sát được việc các con học hay chơi ra sao.

choi-game(1).jpg
Bố mẹ bận bịu, trong khi trẻ ở nhà học online, nên khó kiểm soát con chơi game, điện thoại. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, các con học online, phải có máy tính. Chị cũng chỉ có thể theo dõi việc học tập của con thông qua cô giáo. Còn ngoài ra, thời gian còn lại các con sử dụng máy tính thế nào chị không biết được.

Gần đây, cô giáo phản ánh các con chị, đặc biệt là con trai có dấu hiệu chểnh mảng học tập, và lập nhóm chơi game với các bạn trong lớp. Chị đành giao thỏa thuận với con: Chỉ cần con học tốt, thì mẹ sẽ cho con chơi, không được chơi lén lút.

Chị và chồng cố gắng về nhà sớm hơn, mỗi người “phụ trách” một con, kiểm tra bài vở cho đến 8h nếu các con hoàn thành hết là được thưởng chơi game.

“Thế là con vừa học vừa nhìn đồng hồ, chỉ mong đến 8h để được chơi game. Tôi cho các con chơi đến khoảng 9h30 hoặc 10h. Dạo gần đây, tôi thấy thời gian chơi nhiều quá, không ổn, con có biểu hiện quá ham thích chơi game nên rút thời gian xuống, và nói chỉ cho các con chơi nhiều hơn vào cuối tuần, nhưng các con có vẻ bồn chồn, khó chịu. Sợ các con không học hành, chơi lén lút, tôi lại phải cho con chơi”, chị Lan Anh chia sẻ.

Gia đình anh Trần Quang Thái (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang lâm vào cảnh “đau đầu”, khó dứt cậu con trai học lớp 7 khỏi thói quen chơi game.

Kỳ nghỉ hè vừa rồi, thành phố giãn cách, con không được về quê, cũng không có bạn bè, trong khi bố mẹ vẫn phải làm online, không có thời gian chơi với con, anh chị “tặc lưỡi”, cho con chơi một chút cũng không sao, bao giờ vào năm học thì “siết” lại.

Nhưng đến khi con học trực tuyến, con thường tìm mọi cách để lén chơi game. Khuyên nhủ, nhẹ nhàng, mắng, thậm chí không kiềm chế được, bố còn đánh mà con vẫn không bỏ được, vẫn lén chơi. Trong khi con học trực tuyến, không thể lúc nào anh chị cũng ngồi cạnh con giám sát.

Để con hình thành thói quen rất khó bỏ

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về việc con khó bỏ game sau một thời gian cho chơi “thoải mái”, TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương chia sẻ, cha mẹ đừng nghĩ rằng cho con chơi game một chút thì không sao. Bởi khi đã để trẻ hình thành thói quen chơi game thì rất khó bỏ. Mà con đường từ thói quen cho tới nghiện không quá xa.

Việc chơi game, nghiện game để lại rất nhiều hệ lụy. Tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương đã có trường hợp là sinh viên một trường đại học lớn, khi cai game khoảng 1 tháng thì rơi vào trầm cảm rất nặng, phải vào viện dùng thuốc điều trị.

Và khi bị trầm cảm, ý nghĩ tiêu cực có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, người bệnh có thể dẫn tới quyết định tự sát chỉ trong một vài giây để chấm dứt đau khổ, bế tắc.

“Cho nên, cha mẹ cần phải có sự kiểm soát với con, đặc biệt đối với những trẻ nhỏ, đừng hình thành cho con thói quen chơi game”, TS.BS Trần Thị Hồng Thu nói.

Chuyên gia tâm lý lâm sàng, TS Lê Minh Công, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, từ năm 2013, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đã thống kê các dấu hiệu của người nghiện game online:

Người nghiện không kiểm soát được thời gian và nội dung khi truy cập internet và tham gia vào trò chơi trực tuyến. Họ luôn có suy nghĩ, bận tâm về trò chơi kể cả khi không còn truy cập internet.

Khi bị cắt giảm hoặc ngừng chơi game online đột ngột, họ sẽ có những dấu hiệu của “hội chứng cai”, các dấu hiệu về tâm thần như khó chịu, cáu gắt, lo âu, buồn chán… Có thể có một số triệu chứng thần kinh thực vật như hồi hộp, đánh trống ngực, vã mồ hôi, run, căng thẳng…

Gia tăng thời gian sử dụng internet và trò chơi trực tuyến với thời lượng ngày càng nhiều hơn.

Mất dần đi sự quan tâm, hứng thú đối với các hoạt động thực tế, các hoạt động giải trí hay trò chơi yêu thích trước đây mà chỉ tập trung vào chơi game online.

“Nếu một người có dấu hiệu này liên tục trong vòng 12 tháng trở lên được xem như một trường hợp nghiện trò chơi trực tuyến. Và nếu đã nghiện rồi thì việc điều trị khá phức tạp”, ông Công nói.

TS Lê Minh Công cho biết, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với nghiện trò chơi trực tuyến, mà thuốc chỉ điều trị các rối loạn tâm thần kèm theo như trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ …Việc điều trị vẫn chủ yếu sử dụng các mô hình trị liệu tâm lý. Tuy vậy, một chiến lược toàn diện hơn là chú ý nhiều đến việc phòng ngừa. Cha mẹ cần đồng hành cùng con, xây dựng cho con đời sống tinh thần khỏe mạnh, cùng con tham gia những hoạt động thực tế tích cực trong cuộc sống để không còn tìm niềm vui trong thế giới “ảo”.

Mai Loan

BẢN DESKTOP