Trong nước

Cho từ chức, miễn nhiệm đối với người có phiếu tín nhiệm thấp

  • Tác giả : Thiên Tuấn
Căn cứ được đưa ra đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu là khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm.
Dự kiến vào ngày 11/5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Nội dung này cũng được Ủy ban Thường vụ xem xét việc bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây.
Cho tu chuc, mien nhiem doi voi nguoi co phieu tin nhiem thap
Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội.
Theo dự thảo mà Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đang đưa ra lấy ý kiến, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; Tổng kiểm toán Nhà nước.
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được báo cáo cấp có thẩm quyền và được công khai theo quy định và làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ.
Những người có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ.
Một trong những căn cứ được đưa ra đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.
Ngoài ra, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, quy định về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng được xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm.
Một căn cứ nữa để lấy phiếu tín nhiệm là kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong đó có kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách…
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức hoặc Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất.
Phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín gồm các mức độ “tín nhiệm cao”,“tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Phiếu sử dụng trong bỏ phiếu tín nhiệm có các mức độ “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.
Dự kiến Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn vào kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.
Trước đó, Quốc hội đã 3 lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các ĐBQH đã lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh; năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 người, năm 2014 là 50 người.
>>> Mời độc giả xem thêm video Miễn nhiệm và bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa:

(Nguồn: Nhân Dân)

Thiên Tuấn

BẢN DESKTOP