Dọc đường

Chờ thi… chim

KHĐS – Trò chơi chim bồ câu đen đã xuất hiện ở thị trấn Chờ – Yên Phong – Bắc Ninh cách đây rất lâu. Để có được những chú chim ưu tú đem đi thi đấu, người huấn luyện viên chim phải sở hữu những ngón nghề độc đáo.

Sau khi thả, chim bồ câu phải bay theo phương thẳng đứng, nếu bay ngang là không đạt tiêu chuẩn.

Nguyên tắc từ hàng trăm năm nay của dân chơi chim ở một số địa phương thuộc tỉnh Bắc Ninh, đó là chỉ chơi chim bồ câu đen….

Không rõ cái trò chơi chim bồ câu đen có mặt trên quê hương Kinh Bắc từ khi nào, nhưng từ già chí trẻ ai nấy đều hào hứng với trò tiêu khiển này. Nhiều người còn ví von, trò chơi đã ăn vào huyết quản mỗi con người Kinh Bắc và cái trò dân dã đã được nâng lên tầm nghệ thuật.

Không nhớ lịch sử trò chơi chim

Đến nay, những bậc cao niên trong việc chơi chim không thể nhớ nổi thú vui này ra đời từ khi nào. Sử sách cũng không thấy ghi chú về trò chơi này. Thành thử, việc chơi chim cứ phát triển theo trào lưu và sự hứng thú của mỗi người trong cộng đồng.

Cụ Phạm Văn Sáng, 70 tuổi, người dân huyện Quế Võ, Bắc Ninh thuật lại: “Từ hồi thơ ấu, chúng tôi đã lon ton theo chân những người hàng xóm mê chơi chim ra đồng xem huấn luyện. Một thời gian dài như thế, chúng tôi cũng “bén duyên” với trò chơi chim. Rồi cái trò tiêu khiển chốn thôn quê ấy ngấm dần vào huyết quản. Giờ vẫn chưa thôi”.

Vì đam mê trò chơi chim, nên hồi nhỏ, cụ Sáng thường tham gia những hội thi lớn được tổ chức trong và ngoài xã. Sau đó thì thi huyện, thi tỉnh… Thậm chí chẳng có cuộc thi nào thì các cụ trong làng, xã tự thi với nhau.

Nhưng từ ngày biết chơi chim đến giờ, cụ Sáng chưa dành được giải thưởng nào. Khi nói đến chuyện này, cụ cười sảng khoái cho rằng: “Có giải thưởng thì tốt! Nếu không thì nó cũng thỏa thú vui của mình. Trò này cũng giống như câu cá hay đi săn, anh may mắn thì có thể câu được con cá nếu không thì ôm cần về không”.

Cũng là một người chơi chim nổi tiếng Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Đoàn, huyện Yên Phong đã được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi chim cấp huyện, tỉnh và liên tỉnh. Trong nhà ông treo nhiều huy hiệu giải thưởng thi chim. Nhưng ông cho rằng, đó là trò vui dân gian. Treo giải chỉ mang tính tượng trưng, cho vui… được chơi chim là thích rồi. Không cần giải cũng chơi”.

Trong cuộc sống hàng ngày, ngoài việc đồng áng, làm tiểu thủ công nghiệp thì chơi chim là trò giải trí duy nhất của ông suốt mấy chục năm nay. Ông bảo: “Mỗi khi nhìn thấy cánh chim bay vút tận trời xanh mà thấy lòng thư thái, quên hết nhọc nhằn”.

Ông Nguyễn Văn Đoàn đặt lồng chim trước cửa để tiện cho việc huấn luyện, chim sẽ dễ nhận diện tổ của mình sau khi thả.

Ông Đoàn cũng là người chơi chim từ lúc lên 10 tuổi, nhưng cũng giống như các bậc tiền bối khác, ông không nhớ được trò chơi chim xuất hiện trên mảnh đất quê hương từ lúc nào. Người đi trước không kể thì người đi sau không biết và… thế hệ mai sau có lẽ cũng chẳng biết được lịch sử của cái trò tiêu khiển trên quê hương quan họ. Nhưng thời gian cứ trôi và trò chơi chim vẫn cứ được yêu thích, cứ được nhiều người hâm mộ và phát triển mạnh mẽ như lẽ tự nhiên mà không cần biết quá khứ thế nào.

Ông Đoàn tâm sự: “Quy định duy nhất của trò chơi chim đó là… đam mê. Nghĩa là ai thích thì chơi, bất kể độ tuổi. Thế nên có khi trong cuộc thi chim, có cụ râu dài tới rốn, có người trẻ măng là chuyện bình thường”.

Luyện chim từ lúc ra lông ống

Để có những chú chim thi đấu đỉnh cao, những người tuyển trạch chim cũng phải cực kỳ công phu, không khác nào chọn lựa một cầu thủ bóng đá. Ban đầu, người ta phải tập hợp những chú chim mới nở để nuôi theo chế độ đặc biệt. Sau đó, chim đủ tiêu chuẩn mới được đưa đi thi đấu.

Ông Nguyễn Văn Sáng cho biết: Phải coi trò chơi này là nghệ thuật thì may mắn người chơi mới cho ra được những chú chim ưng ý đem đi biểu diễn. Khi chim nở ra, người ta phải chọn những con có kích cỡ đều nhau, màu mỏ, màu lông, màu chân giống nhau, không xuất hiện dị tật. 2 tháng sau khi nở, chim bắt đầu ra lông ống thì người chơi phải quan sát xem lông ống ra có đều nhau hay không. Nếu chiếc lông nào ra sớm thì người ta phải nhổ đi để đợi những chiếc lông sau ra đều hơn. Trong quá trình mọc lông, nếu thấy chú chim nào xuất hiện lông khác màu thì phải loại.

Khi chim mọc đủ lông, các tay chơi phải đem chim ra sân rồi tung lên trời để chim tập bay. Góc tung thẳng đứng để chim quen với hướng bay theo tiêu chí của đội hình thi chim sau này. Mỗi ngày, các tay chơi phải thả chim một lần ở sân nhà, sau đó để chim tự bay về tổ. Những tuần tiếp theo, khi chim cứng cáp, người chơi sẽ đem chim ra ngõ tung lên trời theo phương thẳng đứng rồi cũng để chim tự bay về tổ. Cứ như vậy, địa điểm huấn luyện chim được xê dịch ra ngoài ngõ, ngoài đồng, ngoài xã và thậm chí là ngoài tỉnh để đàn chim quen với địa hình và tự tìm về nhà.

Chỉ chim bồ câu đen mới được thi đấu.

Cường độ huấn luyện chim cũng được tăng cường cùng với sự phát triển của chim. Những tuần đầu, người chơi chỉ thả chim 1 lần/ ngày. Khi chim cứng cáp, người chơi thả chim 2 lần/ ngày với khoảng cách là ngoài ngõ hoặc các vị trí khác cách nhà khoảng 1 – 2km. Nếu địa điểm luyện chim cách nhà khoảng 3 – 5km thì mỗi ngày chỉ thả 1 lần.

Tuy nhiên, không phải ngày nào người chơi cũng có thể luyện chim. Tùy vào thời tiết mỗi ngày mà có phương pháp luyện chim phù hợp. Chẳng hạn trời mưa thì không được phép thả chim, vì mưa sẽ làm hỏng lông chim. Nếu những ngày mưa thì chỉ được thả chim 1 lần. Còn những ngày trời trong xanh, nắng nhẹ, người chơi có thể thả chim 1 – 2 lần.

Cụ Nguyễn Huy Chính, người chơi chim huyện Quế Võ tiết lộ: Việc luyện chim sẽ kéo dài khoảng 4 – 5 tháng trước khi đem đi thi đấu. Những chú chim thi xong sẽ được chọn lựa làm giống hoặc chuyển làm chim thịt.

“Trò chơi chim phổ biến ở một số địa phương thuộc Bắc Giang và Bắc Ninh, như Quế Võ, Yên Phong, Hiệp Hòa, Gia Bình… Những địa phương này có những đội thi chim rất mạnh với hàng trăm người tham gia. Nhiều đội thi đã liên tiếp được giải cao qua các mùa thi và được tham gia một số sự kiện trọng đại trong nước”, ông Nguyễn Văn Đoàn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Phi Long

BẢN DESKTOP