Dọc đường

Chờ thi… chim: 10 đội lấy 1

KHĐS – Để có được những chú chim ưng ý đưa đi thi đấu, người chơi phải tuyển chọn rất khắt khe, có thể huấn luyện 10 đội nhưng chỉ lấy được 1 đội.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, một người chơi chim nổi tiếng huyện Yên Phong

Chia đội chim để huấn luyện

Trong số những người chơi chim ở Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Đoàn, thị trấn Yên phong thuộc hàng có tiếng. Ông đã nhiều lần đạt được giải cao nhất trong các cuộc thi chim trong và ngoài tỉnh.

Để đạt được thành tích này, mỗi năm, ông Đoàn phải chọn lựa 100 chú chim chia thành 10 đội, mỗi đội 10 con. Sau khi chim hoàn thành quá trình mọc lông, ông Đoàn chia mỗi đội chim thành 10 con và thả. Mỗi đội thả cách nhau 10 – 15 phút để chim tập bay. Mỗi ngày huẫn luyện một lần. Sau tháng đầu tiên của kỳ huấn luyện, ông Đoàn sẽ loại những chú chim bay không đạt tiêu chuẩn, những chú chim còn lại được chia thành 9 đội và tiếp tục bước vào tháng huấn luyện thứ hai. Sau tháng thứ hai, ông Đoàn tiếp tục loại những chú chim bay không đạt tiêu chuẩn… và cuối cùng, ông sẽ chọn ra 1 đội gồm 10 chú chim ưu tú nhất để đem đi thi đấu.

Ông Đoàn nhấn mạnh: Chọn lựa chim càng kỹ thì khả năng đạt giải sẽ cao hơn, kỹ thuật biểu diễn của chim sẽ đẹp và đúng tiêu chuẩn của hội thi. Tiêu chuẩn của một đội chim thi chuẩn  đó là 10 chú chim phải bay tròn đàn theo phương thẳng đứng sau khi thả. 10 chú chim phải bay theo phương thẳng đứng lên độ cao theo quy định của ban tổ chức.

Ông Đoàn là một trong số những người tham gia lễ thả chim bồ câu tại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội.

Theo quy định, một cuộc thi chim sẽ có ban giám khảo gồm 10 người là các bậc cao niên, có nhiều kinh nghiệm trong việc chơi chim. Sau khi thả, ban giám khảo sẽ quan sát mỗi đội chim bay. Nếu đội nào bay theo phương thẳng đứng đến độ cao có thể quan sát bằng mắt thường mà cả đàn chụm lại bằng 1 bàn tay, tròn đàn thì đội đó thắng. Đội thi nào bay xiên sau khi thả thì bị loại ngay lập tức.

Vừa kể, ông Đoàn hào hứng vào nhà lấy ra những huy hiệu chiến thắng trong các cuộc thi. Huy hiệu được ông treo ở vị trí cao nhất trên tường nhà. Ngoài ra, còn một số huy hiệu khác được ông cất làm kỷ niệm. Ông bảo: Cuộc thi có các đồng giải nhất, đồng giải nhì… nếu trùng số điểm được ban tổ chức chấm.

“Để cân bằng giữa công việc và sở thích, tôi thường phải làm xong việc chính rồi mới bắt đầu thả chim. Chẳng hạn, sau giờ làm việc buổi sáng và buổi chiều, tôi sẽ thả chim để huấn luyện, sau đó chúng sẽ tự bay về nhà. Vì việc chơi chim không ảnh hưởng đến công việc nên gia đình ủng hộ. Thậm chí, con cái còn giúp tôi một tay trong việc huấn luyện chim”, ông Nguyễn Văn Đoàn, huyện Yên Phong cho biết

Cụ Dương Ngọc Thái, huyện Yên Phong tiết lộ: Một nguyên tắc đối với hội thi chim đó là không thi chim trắng hoặc có lẫn các màu lông khác mà chỉ chơi chim đen. Nguyên nhân là vì nếu chơi chim trắng, khi thi đấu thì ban tổ chức rất khó quan sát đàn để chấm điểm. Còn trong đàn nếu có chú chim nào đó có lông khác thường thì những chú chim còn lại sẽ lầm tưởng chú chim đó là đầu đàn, chúng sẽ bay theo con đầu đàn… Vì thế, từ hàng trăm năm nay, người Kinh Bắc chỉ chơi chim bồ câu đen.

Đưa chim đi dự 1000 năm Thăng Long, Hà Nội

Phong trào chơi chim bồ câu đen của người dân xứ Kinh Bắc nổi tiếng đến mức. Dịp lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, một số đội chơi chim xuất sắc ở Bắc Ninh được mời về Hà Nội tham dự lễ hội. Theo kịch bản. Trong dịp lễ lớn này, người dân sẽ thả một đàn chim bồ câu bay lên. Mặc dù đây chỉ là một phần nhỏ trong lễ hội, nhưng với người dân Kinh Bắc nói chung và đặc biệt là dân chơi chim nói riêng vô cùng phấn khích.

Một Trong số những nguyên tắc của việc thi chim đó là chỉ chơi chim đen.

Ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết: Chúng tôi phải huấn luyện chim từ trước khi lễ hội diễn ra vài tháng. Vào chính lễ, chúng tôi đem chim xuống Hà Nội thả, rồi ai về nhà nấy. Khi chúng tôi về đến nhà thì thấy đàn chim đã đậu ở trước cửa. Sở dĩ chim có thể tự tìm về nhà là do quá trình huấn luyện càng xa nhà thì chim nhận diện địa hình càng tốt. Khi thả chim ở những địa phương xa nhà, bầy chim bay đến đoạn sông Ngũ Huyện Khê hoặc đê sông Đuống chúng thường bay vòng qua chao liệng rồi mới về nhà.

“Chim bồ câu rất thông minh, nếu chúng tôi thả chim vào những ngày gió chướng, bầy chim sẽ về nhà muộn hơn. Lý do là chim sẽ bay vòng để tránh luồng gió, sau đó mới xác định hướng để bay về.

Ngoài việc tham gia những lễ hội lớn, mỗi năm, người Kinh Bắc tổ chức 2 lần thi chim vào đầu và cuối mỗi năm. Mỗi lần thi tập hợp các đội từ trong và ngoài tỉnh và thậm chí là từ Bắc đến Nam… miễn là người có sở thích chơi chim về tham dự. Sau cuộc thi, mỗi người sẽ nhận được một lá cờ truyền thống của hội thi làm kỷ niệm. Người thắng cuộc sẽ nhận được giải thưởng giá trị khoảng 2 – 3 triệu đồng, tùy vào kinh phí của mỗi đợt thi.

Ông Lê Văn Trí, người chơi chim huyện Yên Phong cho rằng, hội thi chỉ nghệ thuật hóa trò chơi dân gian, giúp những người có cùng đam mê, sở thích tập hợp lại trong một sân chơi chung. Mục đích là vui chơi, giải trí sau những ngày lao động nhọc nhằn. Chính vì mục đích như vậy nên các hội thi thường không giới hạn đội chơi, độ tuổi tham gia…

Ông Nguyễn Văn Đoàn tiết lộ: Ở huyện Bắc Ninh, ngoài ông ra còn có một số người chơi chim thuộc hàng “khét tiếng” như Mẫn Bá Tam, Mẫn Bá Sỹ, Mẫn Bá Hiền… Những người này có rất nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi và huấn luyện chim bồ câu thi đấu.

“Để có được 100 chú chim đem đi thi đấu, mỗi năm tôi duy trì khoảng 20 – 25 đôi chim bồ câu sinh sản. Số lượng chim non sau mỗi lứa vào khoảng hơn 100 con. Con nào không đủ tiêu chuẩn lập đội thi thì bị loại, con nào đủ tiêu chuẩn thì đưa vào huấn luyện”, ông Nguyễn Văn Đoàn, huyện Yên Phong cho biết.

Phi Long

BẢN DESKTOP