Đời sống

Cho đi yêu thương, nhận lại hạnh phúc

Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng một ngày của bác sỹ Nguyễn Ngọc Du, nguyên bác sỹ Ban Bảo vệ Sức khỏe TƯ lúc nào cũng bận rộn bởi người nhờ đo hộ huyết áp, người nhờ tư vấn sức khỏe… Với bác sỹ Nguyễn Ngọc Du, sự bận rộn này là niềm hạnh phúc.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Du hạnh phúc bên vợ trong ngày kỉ niệm 40 năm ngày cưới.

Đến tổ dân phố 18, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội hỏi bác sỹ Nguyễn Ngọc Du ai cũng biết, họ gọi ông bằng cái tên trìu mến “bác sỹ của nhân dân”.

Trong căn nhà nhỏ rộn rã tiếng trẻ con nô đùa, bên chén nước trà, bác sĩ Nguyễn Ngọc Du kể, cả cuộc đời ông luôn gắn bó với ngành y. Năm 1962, khi đang theo học Đại học Quân Y, được lệnh tổng động viên, ông xếp bút nghiêng lên đường nhập ngũ.

Những tháng ngày trong quân ngũ, dưới làn bom đạn, với kiến thức y khoa ông tham gia cứu chữa cho các chiến sỹ và người dân nơi ông đóng quân.

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông quay lại Đại học Quân Y để viết tiếp ước mơ. Ra trường ông làm việc tại phòng Bảo vệ sức khỏe TƯ 5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, từ năm 1982 – 2016, ông công tác tại Ban Bảo vệ Sức khỏe TƯ – Văn phòng TW Đảng.

Là người chăm lo sức khỏe cho các cán bộ cao cấp, nhưng ông chẳng nề hà khi có bệnh nhân đến thăm khám hay “nhờ vả”. Và với bệnh nhân nào, dù là cán bộ cấp cao hay chỉ là người dân nghèo khổ, với ai ông cũng tận tình và cẩn thận thăm khám. Ông kể, với nghề y, ông có quá nhiều kỉ niệm và kỉ niệm nào cũng đẹp, cũng đáng trân trọng.

Ông kể, có bệnh nhân bị tai nạn, nhập viện trong tình trạng nguy cấp. Lúc ấy đã là tối, chưa kịp ăn uống gì, ông vội vã cùng đồng nghiệp thăm khám. Phát hiện tình trạng bệnh nhân nguy kịch, nếu không mổ cấp cứu, bệnh nhân không thể qua khỏi. Vậy là cuộc mổ cấp cứu diễn ra ngay sau đó và thành công, đến giờ bệnh nhân vẫn giữ liên lạc với ông.

Ông bảo đối với người làm bác sỹ, quan trọng không phải được bệnh nhân cám ơn mà là hiệu quả điều trị, cứu được người; và quan trọng hơn, bác sỹ và bệnh nhân trở thành những người bạn trong cuộc sống đời thường.

Một kỉ niệm khó quên nữa là năm 1987 khi Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải của Pháp trong lúc có chuyến thăm Việt Nam bị mệt, nhưng ông lại không mấy tin tưởng các bác sĩ Việt. Trong hoàn cảnh đó Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải lúc bấy giờ là Bùi Danh Lưu đã cử ông đến gặp.

Sau một hồi tiếp xúc Bộ trưởng người Pháp đã đồng ý cho ông thăm khám, điều trị. Lúc về nước Bộ trưởng người Pháp không quên gửi lời cảm ơn ông bởi sự tận tình chu đáo với bệnh nhân của bác sỹ. Theo ông, đó không chỉ là sự tin tưởng dành riêng cho ông mà còn là niềm tin đối với các bác sỹ của Việt Nam.

“Hơn 40 năm làm nghề, tôi quan niệm, nghề y là nghề không chỉ y mà còn là đức. Khi làm việc, người bác sỹ phải phải làm với tất cả lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, phải đặt lương tri và y đức lên hàng đầu. Nhìn bệnh nhân khỏi bệnh, thấy họ vui là mình vui và hành phúc”.

Giờ ở tuổi ngoài 70, đã nghỉ hưu, nhưng ông rất nhanh nhẹn, minh mẫn và bận rộn. Người dân trong tổ dân phố vẫn đến tìm ông để nhờ ông thăm khám bệnh, nhờ tư vấn cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Thậm chí, nhiều người ở các địa phương xa còn gọi điện nhờ ông “bắt bệnh” qua điện thoại. Tuổi cao nhưng ông chẳng nề hà gì, ai bị làm sao, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, gọi cái là ông vác “đồ nghề” đi ngay.

Không chỉ làm công việc “bác sỹ nhân dân” thăm khám bệnh miễn phí cho người dân, đầu năm nay ông còn được người dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Đã bận lại càng bận. Nhưng ông rất vui và hạnh phúc. Ông bảo, quan trọng là thấy mình sống có ích cho xã hội và cho mọi người, đấy cũng là liều thuốc tinh thần để ông sống vui, sống khỏe mỗi ngày.

Đức Anh

BẢN DESKTOP