KINH TẾ

Chính phủ đã chuẩn bị cho các chính sách phục hồi kinh tế chưa có tiền lệ

  • Tác giả : Thiên Ân
“Năm 2022 cơ bản giải ngân 40% tổng nguồn vốn của Chương trình, phần còn lại sẽ giải ngân trong năm 2023” - Bộ trưởng Bộ KHĐT báo cáo với các đại biểu Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề lớn và khó, chưa có tiền lệ. Có ý nghĩa quan trọng không chỉ tới kinh tế, mà còn tới các vấn đề xã hội, hệ thống y tế. Không chỉ tác động trong ngắn hạn, mà cả trung và dài hạn.

Chính phủ đã nghiên cứu và đánh giá các ngành, lĩnh vực nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, những khó khăn trong sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, người lao động và nhu cầu hỗ trợ, khả năng huy động nguồn lực, hấp thụ của nền kinh tế để xây dựng chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô phù hợp.

Đây là cơ sở để Chính phủ đề xuất quy mô, phạm vi, đối tượng của từng chính sách.

Riêng đối với chính sách miễn giảm thuế sẽ thực hiện ngay trong năm 2022, và có thể thực hiện được ngay 100%. Hỗ trợ đầu tư công, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, hạ tầng giao thông chiến lược, cần có thời gian hoàn tất công tác chuẩn bị.

Hỗ trợ đầu tư công cần có sự điều hành linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư trung hạn và chính sách tài khóa để hỗ trợ đầu tư công trong Chương trình, nhằm giải ngân có hiệu quả nguồn lực bổ sung quan trọng này.

Việc đề xuất tổng thể các phương thức, lộ trình huy động, giải ngân các nguồn vốn trong từng năm đã được Chính phủ tính toán trên quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

“Trong đó, năm 2022 cơ bản giải ngân 40% tổng nguồn vốn của Chương trình, phần còn lại sẽ giải ngân trong năm 2023” - Bộ trưởng Bộ KHĐT báo cáo với các đại biểu Quốc hội.

Trước mắt, Chính phủ sẽ nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh của nền kinh tế, gắn với nâng cao năng lực, hiện đại hóa các trung tâm chuyên sâu CDC cấp vùng, bệnh viện, viện tuyến trung ương, hỗ trợ và nâng cao năng lực, đào tọa lao động phục hồi ngành du lịch...

Tiếp đó là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối với các cửa khẩu phía Đông Bắc, các khu công nghiệp, khu kinh tế...

Để làm tốt những điều trên, Bộ trưởng KHĐT cho rằng các đại biểu quốc hội phát huy vai trò chủ động, tích cực tham gia giám sát quá trình thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ ngay sau khi được Quốc hội thông qua tại địa phương các đại biểu đang làm đại diện.

Thiên Ân

BẢN DESKTOP