Dinh dưỡng

Chỉnh cách ăn để tránh mắc đái tháo đường

  • Tác giả : Thúy Nga
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy chỉ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và tăng cường vận động thể lực có thể giúp chúng ta ngăn ngừa tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường typ 2.

Chế độ ăn và tập thể dục là yếu tố quan trọng

BS Nguyễn Thị Ánh Vân, Phó Trưởng khoa dinh dưỡng lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, hầu hết người bệnh đái tháo đường đều trải qua giai đoạn tiền đái tháo đường nhưng họ không hề hay biết.

Trong giai đoạn tiền đái tháo đường thì chế độ ăn và tập thể dục là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa bệnh tiến triển thành đái tháo đường. Vì vậy, người bệnh tiền đái tháo đường cần thay đổi chế độ ăn ngay hôm nay, cụ thể như sau:

- Hạn chế tối đa đường, bánh kẹo ngọt, nước ngọt, mía, nước ép trái cây, bia, rượu…

- Thay thế sữa và các sản phẩm từ sữa có đường thành sữa không đường, sữa chua không đường hoặc sữa cho người đái tháo đường.

- Ăn đủ năng lượng theo cân nặng, chiều cao, tuổi, giới. Nếu có thừa cân, béo phì cần có kế hoạch giảm cân ngay.

- Ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (ăn đa dạng thực phẩm, mỗi ngày ít nhất 20 loại thực phẩm).

- Chọn lựa thực phẩm có lợi cho sức khoẻ, hạn chế tăng đường máu quá mức: gạo không xay xát kỹ, ngũ cốc nguyên cám, rau xanh, trái cây tươi, dầu thực vật.

- Ăn cá tối thiểu 2 lần/tuần, bổ sung đạm thực vật thay cho 1 phần thịt.

- Hạn chế chất béo bão hoà để phòng ngừa xơ vữa động mạch như mỡ động vật, các loại thịt nhìn thấy mỡ, phủ tạng động vật (óc, lòng, gan…), dầu dừa, dầu cọ…

- Giảm ăn mặn < 6 g muối/ngày: giảm muối, gia vị chấm trên bàn ăn, giảm thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, dưa muối, mắm, tương, cá khô…

- Ăn đủ 3 bữa kèm 1 đến 2 bữa phụ lúc trước khi có cơn hạ đường huyết. Không bỏ bữa nhất là bữa ăn sáng.

- Tăng cường ăn rau xanh.

Thay đổi cách ăn: Ăn món rau trước, cơm sau cùng bữa ăn.

- Bên cạnh đó cần kết hợp tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa phát triển thành tiểu đường typ 2.

- Hạn chế các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao làm tăng đường máu như: bánh mỳ trắng, khoai lang nướng, hoa quả sấy khô, đường, bánh kẹo ngọt, nước ngọt, trái cây ngọt: nhãn, dưa hấu, vải, mít, na… (ăn với tần suất và số lượng ít).

- Giảm tần suất và số lượng rượu, bia, đồ uống có cồn.

- Uống đủ nước theo cân nặng từ 2 – 2,5 lít/ngày.

- Hãy gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn, hỗ trợ xây dựng thực đơn lành mạnh, giúp ổn định đường máu, phòng ngừa tiến triển thành đái tháo đường.

Chỉnh cách ăn để tránh mắc đái tháo đường ảnh 1

Chỉnh cách ăn để tránh mắc đái tháo đường

"Thuần hóa" để sống chung với bệnh khỏe mạnh

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, biết cách quản lý bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), người bệnh hoàn toàn có thể sống chung hòa bình với nó trong một thời gian dài.

Theo BS Bảy, bệnh đái tháo đường giống như một con hổ. Khi gặp một con hổ trong rừng thì chắc chắn chúng ta sẽ bỏ chạy, nhưng nếu gặp một con hổ con lạc vào nhà bạn thì không. Vì vậy, đừng sợ, hãy tìm cách thuần hóa ngay từ khi nó còn là một con hổ con?

Hãy "nuôi dạy" nó thật cẩn thận bằng: (1) cho ăn đúng cách và (2) chăm sóc nó hàng ngày, và bạn sẽ chung sống hòa bình với nó trong một thời gian dài.

Còn nếu bạn để nó sống kiểu hoang dại, nó sẽ giết chết bạn, có thể rất nhanh. Chắc chắn bạn đã biết có nhiều người đã bị chết hoặc bị thương vì con thú dữ này.

May mắn là mọi việc ngày nay đã khác, và chúng ta hoàn toàn có thể có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc cùng với một con hổ bên cạnh mình nhờ công nghệ, nhờ sự hỗ trợ của gia đình và nhận thức của xã hội.

Các bệnh nhân hãy thuần hóa được con hổ đái tháo đường bằng cách:

A – HbA1C < 7,0%

B – Huyết áp < 140/90 mmHg

C – LDL cholesterol < 2,6 mmol/L

D- Cân nặng bình thường.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP