Y học và đời sống

Chiêu nước mắm ăn cho đậm

Nước mắm phổ biến ở mỗi gia đình người Việt. Trong nước mắm có rất nhiều muối. Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư dạ dày, loãng xương, sỏi thận…

Hỏi: Từ lâu lắm rồi khi nấu ăn tôi không dùng muối, không dùng mì chính, chỉ dùng bột gia vị. Tôi biết ăn nhiều đồ mặn không tốt cho sức khỏe nên nấu nướng thường cho ít gia vị. Do nấu nhạt nên chồng và con tôi thường cho thêm nước mắm vào ăn cho đậm. Tôi phải làm thế nào để hạn chế mọi người ăn mặn?

Trần Thị Mai (Khâm Thiên, Hà Nội)

Ts. Bs. Phương Hà (Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng, Viện Dinh dưỡng QG) trả lời: Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư dạ dày, loãng xương, sỏi thận… Hiện nay đa số người dân đều ăn thừa muối từ 2 đến 3 lần so với nhu cầu khuyến nghị là 5g muối/ngày (1 thìa cà phê), hoặc 8g bột canh (1,5 thìa cà phê), 25ml nước mắm (3 thìa con), 35ml xì dầu (3,5 thìa con).

Do vậy cần chú ý giảm các loại gia vị mặn chứa nhiều muối được cho vào trong quá trình nấu ăn và chế biến; hạn chế ăn các món kho, rim, rang ; hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn  như giò, chả, xúc xích, thịt xông khói, bim bim, các món ăn rang muối, dưa cà muối, cá khô…; hạn chế chấm nước mắm, muối, bột canh khi ăn hoặc pha loãng nước chấm, hay dùng thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để tăng vị giác bù cho vị mặn bị bớt đi.

PV ghi

BẢN DESKTOP