Trong nước

Chiêu lừa “săn” vé máy bay Tết

  • Tác giả : Thiên Bảo
Các hãng hàng không chính thức mở bán vé máy bay kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 để người dân có nhiều lựa chọn hãng bay, giờ bay và giá cả. Tuy nhiên, dịp này, nhiều người cơ hội sẽ tận dụng lừa đảo.

Giá dao động từ 2,7 - 3,9 triệu đồng/vé/chặng

Hiện các hãng bay tại Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco đã mở bán vé Tết. Số lượng hơn 6 triệu vé được tung ra, khách đặt mua trên website hoặc các kênh khác.

Nhu cầu di chuyển bằng máy bay dịp tết tăng cao. Ảnh minh họa

Nhu cầu di chuyển bằng máy bay dịp tết tăng cao. Ảnh minh họa

Theo khảo sát của phóng viên Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, giá vé máy bay Tết Giáp Thìn 2024 trên một số đường bay được bán với mức từ 2,7 - 3,7 triệu đồng/vé/chặng bay tùy hãng, thời điểm bay và ngày bay (đã gồm thuế, phí).

Trong đó, chặng phổ biến và nhu cầu cao nhất là TP HCM - Hà Nội, trong giai đoạn cao điểm từ ngày 3/2 đến 15/2/2024 (ngày 24 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng) có giá từ 2,7 - 3,7 triệu đồng/vé/chặng.

Cụ thể, với chặng bay TP HCM - Hà Nội một chiều ngày 3/2 của VietJet Air và AirAsia có giá vé thấp nhất là 2,7 triệu đồng, cao nhất là hơn 3,6 triệu đồng/vé/chặng.

Với hãng bay Vietnam Airlines mở bán chặng TP HCM - Hà Nội cao điểm Tết 2024 với giá từ 3,3 - 3,7 triệu đồng/vé/chặng.

Trong khi đó, giá vé của hãng hàng không Bamboo Airways có giá 3,5 triệu đồng/vé và Vietravel Airlines có giá 3,4 - 3,6 triệu đồng/vé/chặng.

Với chặng TP HCM - Vinh, Hải Phòng, Thanh Hóa,… các hãng mở bán giá vé máy bay thấp nhất khoảng 3,3 - 3,9 triệu đồng/vé/chặng.

Mức giá này được đánh giá là tương đương giá trong dịp Tết những năm trước.

Đại diện một hãng hàng không cho biết, việc vé máy bay dịp Tết được mở bán trước 3 - 4 tháng nhằm tạo thuận lợi cho người dân có nhiều sự chuẩn bị và lựa chọn hãng bay và giờ bay hợp lý, tránh tình trạng “cháy vé” khi mua sát ngày bay.

Chiêu trò lừa đảo săn vé máy bay

Nắm bắt nhu cầu di chuyển bằng máy bay dịp Tết tăng cao và có nguy cơ cháy vé, nhiều kẻ gian đã lợi dụng và có những chiêu trò lừa đảo nhằm vào những người muốn “săn” vé máy bay giá rẻ.

Chị Minh Châu, chủ một đại lý vé máy bay trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, TP HCM cho biết, phương thức lừa đảo phổ biến nhất là mạo danh đại lý, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo vé máy bay với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.

Khi có người “mắc bẫy" và chủ động liên hệ hỏi thông tin, để tạo niềm tin ở phía “con mồi”, những kẻ gian này sẽ đặt chỗ trên trang bán vé chính thức của các hãng hàng không, gửi lại email mã đặt chỗ kèm với khuyến cáo phải thanh toán tiền gấp nếu không sẽ bị hủy. Người mua hoàn toàn có thể kiểm tra mã trên các trang web của hãng để xác nhận là thật.

“Tuy nhiên, khi đã chuyển tiền thanh toán xong, khách hàng sẽ không được xuất vé và bị ngắt liên lạc. Còn mã đặt chỗ kia sẽ bị tự hủy sau một thời gian do chưa được xuất ra vé máy bay và nhiều khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay”, chị Châu chia sẻ.

Một phương thức khác là sau khi nhận được tiền của khách, kẻ gian vẫn xuất vé nhưng sau đó lại hoàn vé để thu lại phần lớn tiền, chỉ phải chịu mất một khoản phí hoàn vé nhỏ.

Mẹo… để không bị mắc bẫy

Trước tình trạng gặp phải của khách hàng thời gian gần đây, Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo hành khách nên mua vé máy bay qua phòng vé hoặc các đại lý chính thức của hãng. Đối với hình thức mua vé máy bay trực tuyến, hành khách cần lưu ý một số yêu cầu sau trong quá trình thanh toán: đảm bảo thẻ đủ điều kiện thanh toán trực tuyến, thẻ được đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thẻ còn hiệu lực, đủ hạn mức thanh toán.

Hành khách cần lưu ý xuất trình những giấy tờ liên quan đến việc xác nhận chủ thẻ như thẻ thanh toán, giấy tờ tùy thân và vé điện tử khi được hãng hàng không yêu cầu. Cùng với đó, cần cẩn trọng khi mua vé qua các kênh trung gian không có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng.

Ngoài ra, theo các chuyên gia an ninh mạng để tránh bị các website giả mạo lừa đảo, người dùng cần phải thận trọng khi truy cập vào các website và phải phân biệt được website thật với website giả.

Để nhận biết một trang website giả mạo, điều đầu tiên là người dùng cần chú ý các đường dẫn (địa chỉ trang web) đầy đủ trước khi nhấp vào truy cập. Kiểm tra đường dẫn trước khi điền thông tin đăng nhập, thông tin cá nhân, đường dẫn giả mạo thường chứa nhiều ký tự vô nghĩa và các chuỗi văn bản bổ sung.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra SSL (SSL là viết tắt của từ Secure Sockets Layer. Đây là một tiêu chuẩn an ninh công nghệ toàn cầu tạo ra một liên kết giữa máy chủ web và trình duyệt. Liên kết này đảm bảo tất cả dữ liệu trao đổi giữa máy chủ web và trình duyệt luôn được bảo mật và an toàn) và chứng thư số của website. Và kiểm tra kỹ thanh địa chỉ để biết thông tin chi tiết của tổ chức.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cũng cung cấp công cụ kiểm tra website giả mạo tại địa chỉ như sau để người dùng kiểm tra: https://congcu.khonggianmang.vn/check-phishing/.

Thiên Bảo

BẢN DESKTOP