Thời sự

Chiết khấu sách giáo khoa 30% có phí tiêu cực… đẩy giá bán cao lên?!

  • Tác giả : Hải Ninh
Chiết khấu sách giáo khoa (SGK) 29%, sách bài tập 35% là quá cao. Có nghi vấn mức chiết khấu bao gồm cả phí tiêu cực… nên kéo giá thành SGK cao lên”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đặt vấn đề.

Báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cho thấy, mức tối đa chiết khấu cho các đơn vị đầu mối năm học 2020-2021, 2021-2022 với sách giáo khoa là 29%, sách bài tập 33%, sách giáo viên 15%. Năm học 2022-2023, mức chiết khấu giảm, lần lượt là 28,5%, 35% và 15%. Mức chiết khấu cao kéo theo giá sách theo chương trình mới cao 2-4 lần so với sách cũ.

Trao đổi với PV Khoa học & Đời sống, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Bộ Tài chính nên nghiên cứu và cần thiết phải có mức trần chiết khấu SGK.

Chiết khấu SGK cao… đẩy giá thành sách cao hơn

Một số ý kiến cho rằng, chiết khấu SGK lên tới 35% là quá cao, trong khi không có quy định về mức trần dẫn đến phát hành sách lãi lớn?

Đúng là quá cao!

Chiết khấu là chi phí phát hành để có thể đưa SGK đến người tiêu dùng; không thể đồng đều trên khắp cả nước, vùng khó khăn thì chiết khấu cao, vùng thuận lợi chiết khấu thấp. Ví như, khu vực Hà Nội chiết khấu chỉ 5 đến 7%, nhưng đến Hà Giang có thể lên đến 30%.

Vẫn có tình trạng gọi là chiết khấu, nhưng góc khuất là phí tiêu cực, đẩy mức chiết khấu cao lên, kéo giá thành SGK cao lên.

Thực tế cho thấy, SGK phát hành hàng triệu bản, có tính chất gần như bắt buộc, phát hành một lần với khối lượng lớn mà mức chiết khấu cao, phát hành sách lãi lớn.

Ông Trần Xuân Nhĩ.

Ông Trần Xuân Nhĩ.

Chiết khấu SGK lớn tạo cho một bộ phận giàu lên trong khi hơn 16.000 giáo viên lương thấp, xin nghỉ việc, ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Hiện nay, giáo viên nghỉ việc có nhiều nguyên nhân. Mức lương quá thấp, không đủ sống nên phải xin thôi việc để chuyển đổi ngành. Một nguyên nhân khác, do chương trình gây khó khăn cho giảng dạy.

Các bộ môn tích hợp mà gọi đúng ra là tổ hợp các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn. Ví dụ như tích hợp Lý, Hóa, Sinh, giáo viên dạy Sinh, hay Lý bắt phải dạy cả 3 môn này họ không dạy được nên họ xin nghỉ.

Nếu giáo viên nào dạy môn đó thì hai giáo viên còn lại phải ngồi đợi, đồng thời khiến môn tích hợp chưa giúp học sinh phát triển toàn diện. Tích hợp phải có sự nhuần nhuyễn, các kiến thức thể hiện trong một bài như thế nào, người giáo viên phải được đào tạo họ mới dạy được.

Rõ ràng, việc giáo viên nghỉ học do lương thấp, trong khi lợi nhuận SGK mang lại lớn cho một bộ phận phát hành, in ấn cũng là việc đáng suy nghĩ.

Có nhóm lợi ích Nhà xuất bản - Nhà trường?

Có hay không mối quan hệ lợi ích Nhà xuất bản (NXB) - Nhà trường. Nghi vấn đặt ra tiêu chí chọn SGK không dựa vào chất lượng, mà là chiết khấu lớn?

Thực trạng này có xảy ra trong thực tế vì có nhiều bộ sách cho một khối lớp. Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề cập đến Nghị quyết 88 nêu rõ Bộ GD&ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Xã hội hóa, các tổ chức cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải đầy đủ một bộ. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD&ĐT chưa làm được.

Mình đang thực hiện không đúng. Hiện, 3 bộ SGK đều hoàn chỉnh, nhưng có những môn có thể viết ra thành nhiều quyển. Tức là một số bộ môn, xã hội hóa có thể viết nhiều quyển sách, chứ không phải viết một bộ SGK đầy đủ.

Qua khảo sát, tôi cũng thấy nhiều người nói SGK như Âm nhạc, Thể dục hay một số bộ sách không nhất thiết phải có nhiều, chỉ cần một quyển là đủ.

Trong khi các bộ sách về cơ bản nội dung giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ người ta đảo phần này lên trước, phần kia xuống dưới. Hay lấy những ví dụ khác nhau. Chính sự khác nhau này đã làm trở ngại cho học sinh chuyển trường. Học sinh đang học ở trường này, bố mẹ chuyển công tác đi nơi khác, ở nơi đó lại chọn lựa khác cho nên học sinh gặp khó khăn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lợi nhuận “khủng” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Tháng 7/2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố doanh thu năm 2021 đạt 1.828 tỷ đồng, 97% đến từ hoạt động phát hành sách. Lãi sau thuế đạt 287 tỷ đồng – mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của đơn vị. Lợi nhuận này được Nhà xuất bản cho hay là từ nhiều nguồn, không riêng SGK.

Cơ chế nào để siết lại?

Theo ông, cơ chế nào để siết lại, có nên để nhà trường tự quyết định việc chọn SGK?

Bộ Tài chính cần thiết phải có các quy định về mức trần chiết khấu SGK; cũng cần phải có phương pháp định giá SGK, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian; nghiên cứu giảm tỷ lệ chiết khấu đến mức hợp lý để giảm giá SGK.

Đối với việc lựa chọn SGK, kết quả giám sát cũng chỉ ra, việc tổ chức lựa chọn SGK có nhiều bất cập. Một số địa phương, việc lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa còn thiếu sót. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ ra 6 tỉnh (Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Đăk Lăk, Quảng Ngãi và Khánh Hòa) có một số sai sót trong quy trình lựa chọn sách giáo khoa.

Việc lựa chọn SGK nên để cho chính giáo viên lựa chọn!

Thời công nghệ 4.0, Nhà trường có thể đặt trực tiếp với Nhà xuất bản giáo dục, do đó Hội đồng chọn lựa SGK tôi nghĩ là hơi thừa, trong khi lại dễ phát sinh tiêu cực. Người ta đua nhau làm thế nào lựa chọn bộ SGK của mình, hoặc bộ SGK có chiết khấu cao.

SGK không học lại được, không có sự kết thừa, có được coi là lãng phí?

Chúng ta có hơn 10 triệu học sinh, trong khi đó mỗi học sinh hơn 10 quyển SGK, mỗi quyển sách lại có tập 1, tập 2 nên số SGK lên tới vài chục quyển. Tính ra hơn trăm triệu bản sách mà không dùng lại được rất lãng phí.

Ngày xưa một cuốn sách, nhiều thế hệ truyền nhau, bây giờ năm nào cũng phải mua gây lãng phí. Khi làm bộ SGK, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ về việc này, tiết kiệm càng nhiều càng tốt.

Xin cảm ơn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ!

Đại án từ sách giáo khoa

Tháng 2/2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT.

Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Kết quả điều tra xác định ông Nguyễn Đức Thái đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng với 3 bị can còn lại vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Hải Ninh

BẢN DESKTOP