Thời sự

Chỉ vài người “xé rào” giãn cách sẽ phá vỡ nỗ lực của cả triệu người

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, hiệu quả của biện pháp giãn cách còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chỉ cần vài người “xé rào” giãn cách sẽ phá vỡ nỗ lực của cả triệu người.

Hiệu quả của phong tỏa phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Trước “giờ G” TPHCM thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) chia sẻ: “Trên đường đi làm về thấy từng đoàn người hối hả chạy trên đường mua bán chuẩn bị cho đợt phong tỏa mới, tôi chợt thấy lạnh sống lưng, thoáng ước tính sẽ có bao nhiêu bệnh nhân (BN) mới sau 1 - 2 tuần nữa và thầm mong chuyện đó đừng bao giờ trở thành hiện thực”.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết, phong tỏa toàn thành phố, một biện pháp mạnh tay nhất để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Thế nhưng, trên thực tế hiệu quả của biện pháp này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Theo đó, cần phải hiểu một số điểm cơ bản sau:

Khi một người bị nhiễm bệnh, virus trong cơ thể sẽ phát triển lên tới hàng tỷ virus mới. Chúng xâm nhập vào máu và lan ra khắp cơ thể, tàn phá các cơ quan trọng yếu như phổi, thận, tim, não… Cùng lúc, hệ thống miễn dịch của người bệnh cũng tăng cường hoạt động nhằm tiêu diệt virus để bảo vệ cơ thể. Sẽ có hai tình huống xảy ra. Một là: hệ miễn dịch chiến thắng, virus dần bị tiêu diệt để 2 - 3 tuần sau bệnh sẽ qua đi. Hai là: virus chiến thắng, người bệnh ngày một nặng hơn và tử vong. Hệ miễn dịch của nhũng người có bệnh nền đã suy yếu sẵn nên tình huống thứ 2 dễ gặp hơn.

Tuy nhiên, ở cả 2 tình huống đều dẫn tới một kết cục chung là virus đều sẽ chết. Ở tình huống 1, virus chết do bị hệ miễn dịch tiêu diệt. Ở tình huống 2 khi người bệnh tử vong virus cũng sẽ chết vì hết đất sống. Thế nhưng, vì sao trên thực tế virus không những không chết mà còn lan tràn khắp nơi. Đó là do trong quá trình bị bệnh, virus đã sẵn sàng nhảy sang một cơ thể mới khi người bệnh tiếp xúc với người khác. Và cứ như thế chúng tồn tại từ đời này sang đời khác ở nhiều người khác nhau. Hơn nữa, trong quá trình lan truyền bệnh chúng còn học hỏi, tự biến đổi trở thành những chủng mới ngày càng tinh vi hơn, khả năng chống lại hệ miễn dịch mạnh hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn. Đây cũng là điều thường tình trong môi trường chọn lọc tự nhiên.

Phong tỏa là một biện pháp bắt buộc thực hiện khi bệnh dịch lan tràn khó kiểm soát. Trong đợt phong tỏa thì người-người, nhà-nhà đều giãn cách và như thế virus khó có thể “nhảy” từ người này sang người khác, từ nhà này qua nhà khác, từ cụm dân cư này sang cụm dân cư khác. Một thời gian ngắn thôi virus hết đất sống sẽ tự nhiên bị diệt vong. Cuộc sống thái bình sẽ quay trở lại.

Tuy nhiên, chỉ cần tồn tại một bộ phận nhỏ những người “xé rào” tránh giãn cách vì tư lợi thì cũng có thể phá vỡ mọi nỗ lực của cả triệu người khác. Những người đó chính là những cầu nối cho virus vượt vòng vây để tìm được đất sống mới và tồn tại dai dẳng trong cộng đồng. Đến khi kinh tế bị kiệt quệ, vượt khỏi sức chịu đựng của con người mà phải buông bỏ biện pháp phong tỏa thì virus sẽ tái bùng phát dẫn tới một đợt dịch mới. Biện pháp phong tỏa thất bại với biết bao sự nỗ lực, chịu đựng của chục triệu dân. Như thế, kết quả của cuộc phong tỏa phụ thuộc chính vào từng người dân thành phố.

Hãy vì người thân, vì bản thân và vì cộng đồng mà tham gia tiêm văcxin

TS.BS Lê Quốc Hùng chia sẻ, có người lo giãn cách rồi ai kiểm soát 5K trong các khu phong tỏa. Đã phong tỏa toàn thành phố thì đâu cũng như đâu. Mỗi người dân phải tự giác tự giãn cách từ trong chính gia đình mình, giãn cách trong cộng đồng. Tốc độ sinh hoạt của cả cộng đồng sẽ giảm hẳn, số lượng bệnh nhân mới từ đó giảm theo, năng lực kiểm soát của chính quyền cũng dần mạnh lên có đủ sức lo cho dân nhiều, chu đáo hơn. Ngành y tế vì thế cũng thoát khỏi nguy cơ vỡ trận.

Vai trò của chính quyền địa phương trong việc thực hiện phong tỏa rất quan trọng. Chính quyền địa phương sâu sát nắm rõ tình hình cuộc sống của người dân, kịp thời hỗ trợ khó khăn cho các gia đình nghèo sẽ giúp cho họ vượt qua thời kỳ giãn cách mà không phải “xé rào” vì miếng cơm manh áo. Có kế hoạch tổ chức một khu chợ/siêu thị có kiểm soát về sức khỏe tiểu thương, có phân lịch cụ thể về ngày, giờ cho từng cụm gia đình được đi mua đồ thiết yếu, từ đó tránh tình trạng tập trung đông người,  tạo niềm tin cho người dân sẽ được đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa… Biện pháp phong tỏa có rất nhiều cơ hội gặt hái kết quả tốt đẹp.

Văcxin phòng bệnh sẽ được ưu tiên phân bổ cho TPHCM trong tháng 7, 8. Bất cứ loại văcxin nào cũng có tác dụng làm cho người bệnh hiếm khi trở nặng bên cạnh khả năng chống nhiễm bệnh. Tỷ lệ tai biến sau chích chũng cực kỳ thấp so với tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh. Mỗi người dân hãy vì người thân, vì bản thân và vì cộng đồng mà tham gia chích ngừa. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào cũng nên giữ khoảng cách an toàn, tránh tập trung quá đông để rồi đã mắc bệnh trước khi văcxin có tác dụng.

Như thế để biện pháp phong tỏa đi đến kết quả tốt đẹp cần sự chung sức của mỗi người dân trong cộng đồng dưới sự chỉ đạo nhạy bén, hợp lý của chính quyền.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, để nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid-19, TPHCM xác định cần làm quyết liệt hơn và xem đây là cuộc chiến thật sự. Thành phố sẽ hy sinh lợi ích ngắn hạn cho mục tiêu dài hạn, nâng cao thêm một mức trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, TPHCM quyết định áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng trong 15 ngày trên địa bàn thành phố từ 0h ngày 9/7/2021.

Mai Loan

BẢN DESKTOP