Trong nước

Chi tiết thiệt hại ban đầu do bão Yagi gây ra tại các tỉnh, thành

  • Tác giả : Thiên Tuấn
Đây là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ, gây ra nhiều thiệt hại.
Chiều 7/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024, Cục trưởng Cục Đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Đức Luận cập nhật thông tin mới nhất về diễn biến, thiệt hại của bão số 3 Yagi.
Chi tiet thong tin bao Yagi va thiet hai ban dau o cac tinh
Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Đức Luận thông tin về tình hình cơn bão số 3 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Theo đó, bão số 3 đạt cường độ cấp 16 trên Biển Đông; tối 6/9, bão đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ rất mạnh cấp 14, giật cấp 17. Hồi 13h00 ngày 7/9, vị trí tâm bão trên vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, cường độ cấp 12-13, giật cấp 16. Gió thực đo lúc 13h00 ngày 07/9: Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 14, giật cấp 17; Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 13, giật cấp 16; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 14; Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) câp 13, giật cấp 14; Cát Hải (Hải Phòng) câp 7, giật cấp 10; Ba Lạt (Thái Bình) cấp 8, giật cấp 10.
Về lượng mưa, từ 7h00 đến 13h00 ngày 7/9, đã có mưa lớn như: Cô Tô (Quảng Ninh) 127 mm; Cẩm Phả (Quảng Ninh) 123 mm; Cát Bà (Hải Phòng) 198 mm, Tiền Hải (Thái Bình) 208 mm.
Dự báo, chiều và đêm ngày 7/9, bão số 3 sẽ di chuyển vào đất liền. Đến 1h ngày 08/9, đạt cấp 8, giật cấp 10 trên đất liền khu vực Đông Bắc Bộ.
Đây là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước rất quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 03 Công điện chỉ đạo các bộ, ban ngành địa phương triển khai ứng phó với bão.
Theo chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành địa phương đã ban hành công điện; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở, các trọng điểm xung yếu. Đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người; toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Nghệ An và Quảng Bình đã cấm biển.
Đã sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.460 người; Hải Phòng: 23.581 người; Thái Bình; Nam Định: 1.743 người; Ninh Bình: 2.685 người).
Đã bơm tiêu rút nước trên các hệ thống kênh, mương và mặt ruộng; hệ thống các trạm bơm tiêu và các công trình thuỷ lợi đã sẵn sàng vận hành tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra để bảo vệ sản xuất lúa và hoa mầu. Hiện tại, toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Hồng lúa đang trổ đồng. Nếu như để ngập úng lâu, cây bị bão đổ vào sẽ gây thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp với hơn 500.000 ha lúa.
Các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn đã kịp thời cung cấp các bản tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó với bão. Các cơ quan thông tin, truyền thông thường xuyên cung cấp thông tin và đã xuống tận hiện trường để kịp thời đưa tin, phản ánh thực trạng công tác triển khai ứng phó với bão tại địa phương. Hiện nay, đội ngũ phóng viên ở các tỉnh rất đông, đã đưa tin kịp thời và người dân đã nắm bắt được các thông tin.
Về thiệt hại, đến thời điểm hiện tại, ghi nhận 1 người tại Hải Dương bị thiệt mạng do cây đổ khi đang lưu thông trên đường. 05 tàu xi măng, 01 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh); hơn 100 cây xanh bị đổ ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Hiện nay chưa thể thống kê được, vì ở Quảng Ninh hiện tại không ai ra đường. Trao đổi qua điện thoại, Quảng Ninh thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt là hệ thống cây xanh, cột điện, nhà tôn, mái ngói... Đến sáng mai, mới có thể kiểm đếm hết những thiệt hại này.
Sáng mai bão di chuyển, đi sâu vào đất liền, khu vực Hà Nội tiếp tục bị mưa lớn ảnh hưởng.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia bổ sung một số thông tin về cơn bão số 3:
Đầu giờ chiều ngày 7/9, bão số 3 đã có dấu hiệu suy yếu. Gió tại Bãi Cháy lúc 15h ngày 7/9 đã giảm còn cấp 8. Hiện nay suy hướng bão vào đất liền tiếp tục suy yếu. Tuy nhiên, các khu vực xa xôi trong đất liền như Hà Nội mặc dù có gió và mưa, cây đổ nhiều nhưng chưa phải lúc bão mạnh nhất.
Dự báo thời gian gió mạnh tại một số địa phương như sau: Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.
Vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng… mưa còn kéo dài hết đêm ngày 7/9 và khoảng đến tầm 4h sáng ngày 08/9 mưa và gió sẽ giảm nên sáng ngày 8/9 là an toàn.
Đối với khu vực sâu hơn một chút như Hà Nội, gió bắt đầu lặng từ 1h sáng ngày 8/9 nhưng mưa có thể kéo dài đến 8-9h sáng ngày 8/9. Trưa ngày 8/9, khu vực thành phố Hà Nội tương đối an toàn.
Đối với khu vực Trung du miền núi như Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình mưa sẽ muộn hơn. Từ 19h ngày 7/9 mưa sẽ tăng. Cả ngày 8/9 mưa sẽ nặng hơn. Ngày 8/9 mưa chỉ tập trung ở Trung du miền núi nên nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở cao.
Vùng ven biển, khi bão vào, các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn. Các khu vực neo đậu của tàu thuyền sẽ có khả năng va đập khiến các tàu bị chìm.
Đợt mưa này sẽ chấm dứt nhanh ở Đông Bắc Bộ (Hà Nội). Tuy nhiên, có khả năng kéo dài ở khu vực phía tây. Miền núi và Trung du mưa lớn, thời gian mưa còn kéo dài đến ngày 9/9-10/9 mới kết thúc.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chiều tối nay, Hà Nội có thể trở thành tâm bão:

Thiên Tuấn

BẢN DESKTOP