Bình luận

Chỉ thuốc kém mới có “hoa hồng bẩn”

Không phải tất cả “hoa hồng” đều “bẩn”, vẫn có những “hoa hồng sạch”, TS.BS Phạm Như Hùng, Tổng thư ký Hội tim mạch can thiệp chia sẻ về “hoa hồng” trong ngành y.

Có “hoa hồng sạch” và “hoa hồng bẩn”

Thông tin Công ty VN Pharma chi hơn 7,5 tỷ đồng hoa hồng cho các bác sĩ (BS) trong vụ nhập thuốc ung thư một lần nữa lại làm dấy lên câu hỏi về y đức của người thầy thuốc. Là một BS, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Cách đây 20 năm, trong ngành y tế Việt Nam không có chuyện “hoa hồng” nhưng các BS vẫn cứu chữa bệnh nhân. Hoa hồng chỉ mang đến từ các hãng dược trong thời kỳ bùng nổ kinh tế. Nhưng theo tôi hoa hồng không hoàn toàn xấu, mà có cả “hoa hồng sạch”.

Như thế nào được gọi là “hoa hồng sạch”, thưa ông?

Khi các hãng dược phẩm muốn bán nhiều hơn các sản phẩm của mình, họ tác động đến các BS qua nhiều cách. Có khi chỉ là chiếc bút, cuốn sổ. Có khi là những chuyến đi hội nghị, hội thảo, học tập của nhân viên y tế. Với những BS có uy tín, họ có thể trả tiền để BS đó nói những bài cho hãng của họ. Rồi các hãng dược còn trả tiền cho các nghiên cứu lâm sàng. Tôi không nghĩ những hoa hồng này là xấu.

Một số BS cho rằng, việc hoa hồng trong ngành y nó cũng tựa như việc “lại quả” trong các lĩnh vực khác, là điều hiển nhiên?

Khi ta kinh doanh mặt hàng nào đó, ta có thể đòi hỏi phần trăm hoa hồng từ một sản phẩm từ hãng mẹ, đó cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, ngành y mang nặng tính “y đức” nên chuyện này cũng có nhiều tế nhị. Nhưng tính về kinh tế y tế, thì điều này là đương nhiên. Có điều đưa thế nào, nhận thế nào lại là chuyện khác. Nhiều bệnh viện đã sử dụng số tiền tài trợ từ các hãng dược phẩm để làm đào tạo, mua thiết bị, tổ chức hội nghị, hội thảo…

Nhưng y tế là lĩnh vực đặc thù liên quan tới sức khỏe, khi bác sĩ đã bị đồng tiền chi phối, thì các đơn thuốc kê cho bệnh nhân có thể cũng sẽ bị chi phối theo. Như vậy, liệu vẫn có thể gọi là “hoa hồng sạch” được không? Hay là “hoa hồng máu”, bòn rút tiền từ chính xương máu bệnh nhân như nhiều người đã gọi?

Nói “ hoa hồng máu” thì hơi quá, tôi nghĩ nói “hoa hồng bẩn” thì đúng hơn. Tôi khẳng định là có điều này, tuy nhiên rất ít. Các hãng dược phẩm lớn hay những thuốc tốt không bao giờ có “hoa hồng bẩn”. Chỉ số ít  hãng dược có những sản phẩm cạnh tranh kém mà họ vẫn muốn thu lợi nhiều thì mới dùng cách này.

Không “hoa hồng”,khó nâng tầm kiến thức

Như vậy theo ông, nếu là “hoa hồng sạch” thì bác sĩ hoàn toàn có quyền được nhận?

Thực ra, tôi có thể khẳng định không có BS nào muốn nhận hoa hồng. Tôi cũng đảm bảo rằng không có BS nào gọi hãng dược vào và nói hãng phải chi cho tôi bao nhiêu phần trăm hoa hồng. Việc nhận hoa hồng, tôi nghĩ nó chỉ là một thời điểm, một giai đoạn và nó sẽ mất đi trong tương lai. Nếu tiền hoa hồng đó chi vào việc đào tạo, hội nghị, hội thảo cho BS  thì sao lại không nhỉ! Mỗi lần đi dự hội nghị tại nước ngoài kinh phí thường từ 2.000 – 3.000 USD, nếu các hãng dược phẩm không tài trợ, thì chắc chắn sẽ không có mấy BS Việt Nam tự bỏ tiền đi dự. Như vậy, thì không thể nâng tầm kiến thức chuyên môn và chúng ta sẽ càng ngày càng tụt hậu so với thế giới về y khoa.

 Vì sao ông lại nghĩ nó chỉ là “ở một thời điểm, một giai đoạn nhất định”, điều gì chi phối tới việc nhận hoa hồng của các bác sĩ?

Là vì ở Việt Nam, lương BS còn quá thấp. Khi chúng ta chi trả cho BS tốt đúng với năng lực và đóng góp của họ, tôi nghĩ chắc chắn điều này sẽ mất đi. Tôi giả sử cứ tạm tính hơn 7 tỷ đồng hoa hồng của VN Pharma kia thì mỗi tháng chắc một BS cũng chỉ nhận được 1-3 triệu đồng. Nếu lương cao, các BS sẽ không nhận một số tiền ít ỏi đấy làm gì. Một số bệnh viện tư nhân lớn họ trả hàng trăm triệu cho một BS có kinh nghiệm. Và tôi cũng có thể khẳng định chẳng có BS bệnh viện tư nhân nào nhận tiền hoa hồng cả.

Nhưng có phải số tiền hoa hồng đó sau này cũng được tính vào giá thuốc? Như vậy, người chịu thiệt thòi có phải vẫn là các bệnh nhân? Khi đó, “hoa hồng sạch” liệu có còn “sạch”?

Tôi nghĩ có những hoa hồng từ các hãng dược còn giúp cho sự phát triển của ngành y tế. Chẳng hạn, rất nhiều các hãng dược phẩm tài trợ cho các BS đi học tập ở trong và ngoài nước. Họ tài trợ cho hầu hết các hội nghị y khoa lớn. Họ cũng tài trợ cho rất nhiều các nghiên cứu y khoa.  Khoảng 80% các nghiên cứu lớn đều được tài trợ bởi các hãng dược phẩm. Nên dù có tính vào giá thuốc thì cũng là những chi phí mà người bệnh trả để được hưởng những tiến bộ y học.

Một số bệnh nhân kể với tôi rằng, khi BS kê đơn, thì một số thuốc phải ra chính cửa hàng mà BS chỉ định mới có loại thuốc đó. Đây có phải là sự “móc ngoặc” giữa BS và nhà thuốc, và việc làm này có thể coi là phần “bẩn” của hoa hồng  không, có sai trái không?

Nếu đó là thuốc kém chất lượng, thì đó là sai trái. Nhưng theo tôi những BS dùng những thuốc có “hoa hồng bẩn”, lúc đầu có thể thu nhập tăng chút đỉnh nhưng về lâu dài bệnh nhân của họ không được dùng thuốc tốt, sẽ lâu khỏi bệnh hơn và nhiều người sẽ không quay lại với họ. Tức là tương lai thu nhập của họ sẽ chưa chắc đã đảm bảo, nên cũng không mấy ai dám lựa chọn điều này.

Quản lý từ gốc, tránh được từ ngọn

Ở nước ngoài, các BS có được nhận tiền “hoa hồng” không, thưa ông, ví dụ ở Mỹ?

Có chứ. Trước đây, họ còn trả tiền cho các BS đi du lịch, mua cho các bác sĩ các món quà đắt tiền. Nhưng hiện nay những điều này bị cấm. Trong những năm gần đây, các hãng dược phẩm còn bị cấm tài trợ cho các BS đi dự hội nghị hội thảo. Khi vi phạm, các hãng dược sẽ bị phạt tiền. Số tiền thường là rất lớn,và còn cả về mặt danh tiếng nên họ sợ và không dám vi phạm.

Nước Mỹ “luật hóa”, chứng tỏ họ phải nhận ra những hệ lụy của việc đó. Theo ông, Việt Nam có thể học tập họ được không?

Hoàn cảnh họ khác mình, nên hiện muốn cũng khó. Nhưng giải pháp trước mắt theo tôi là cần minh bạch. Chẳng hạn, khi đi báo cáo tại nước ngoài, bài nói của chúng tôi bao giờ cũng phải có một ghi chú là có nhận được phí tài trợ, đang tham gia nghiên cứu nhận tiền của hãng dược nào đó không. Thậm chí, còn phải khai có đang sở hữu cổ phần nào của hãng dược phẩm không. Điều đó, sẽ giúp bác sĩ được “kiểm soát” hơn.

Nhưng với các hãng dược phẩm, ông có nghĩ cần phải có một chế tài nào đó, nhất là đối với giá thuốc, tránh việc tăng bừa bãi?

Điều này thì tôi đồng ý. Với các hãng dược phẩm chúng ta phải có quản lý và chế tài. Với thế giới phẳng hiện nay, tôi nghĩ chúng ta dễ dàng biết được thuốc đó như thế nào, giá tiền bao nhiêu để không cho các hãng dược phẩm muốn đưa giá lên bao nhiêu cũng được. Có quản lý từ gốc được thì ta sẽ tránh được phần ngọn. Vì ta biết phần gốc thì chỉ có 1 thân trong khi đó phần ngọn thì có rất nhiều.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tôi từng được nghe giám đốc một bệnh viện lớn nói sợ danh sách tiền lương của BS bị lộ ra ngoài vì lương một số bác sĩ gấp 2-3 lần lương của một văn phòng. Tại sao phải sợ vậy khi mà những BS ấy làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, thậm chí xuyên đêm, công việc nhiều áp lực, dễ bị kiện cáo, đền tiền?… Chúng ta phải bỏ trung bình chủ nghĩa đi. Khi BS sống được bằng nghề của mình, họ sẽ không màng tới tiền hoa hồng, bớt đi những tiêu cực.

Mai Loan (thực hiện)

BẢN DESKTOP