Thời sự

Chi 3.000 tỷ đồng bảo trì đường sắt trong năm 2022

  • Tác giả : Quốc Trọng
Chi bảo dưỡng thường xuyên hơn 2.694 tỷ đồng; chi sửa chữa định kỳ, kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2 và sửa chữa đột xuất là 260 tỷ đồng; chi phí dự phòng chưa phân bổ gần 46 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022. So với năm 2021, kinh phí năm nay tăng 200 tỷ đồng.

Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm sử dụng nguồn ngân sách trên để thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đảm bảo việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thường xuyên, liên tục.

Kể từ khi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, việc giải ngân nguồn vốn này đã gặp nhiều vướng mắc do cơ chế không cho Bộ GTVT chi thẳng về doanh nghiệp thực hiện.

Do đó, mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản ủy quyền Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng đặt hàng việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Và ký hồ sơ quyết toán kinh phí, thanh lý hợp đồng đặt hàng bảo trì kế cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 5/1, tại hội nghị Tổng kế năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Cục đường sắt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam cần chủ động, tích cực làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư” sớm được phê duyệt.

Việc phê suyệt đề án này sẽ tạo cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cho thực hiện các công tác liên quan, trong đó có triển khai vốn bảo trì hàng năm, cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt...

Quốc Trọng

BẢN DESKTOP