Sống xanh

Chef Lê Văn Tuấn: Từ cậu bé đánh giày thành đầu bếp top 24 thế giới

  • Tác giả : Mai Loan
Từ một cậu bé đánh giày, bán báo, khao khát một ngày được làm trong tòa nhà cao tầng, đi máy bay… Lê Văn Tuấn đã trở thành đầu bếp top 24 thế giới, lan tỏa năng lượng yêu thương và truyền cảm hứng mạnh mẽ về nghị lực sống.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện trong một tối mùa đông lạnh, mưa nặng hạt. Không biết, có phải một phần do bối cảnh cuộc trò chuyện, Lê Văn Tuấn, CEO, founder Golden Pastry đã trải lòng với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống về những kỷ niệm dường như sâu kín, xúc động về chặng đường anh đã đi qua.

Để trở thành một đầu bếp nổi tiếng thế giới như hôm nay, top 24 Master chef xuất sắc thế giới do Gourmet quốc tế ghi nhận năm 2022, có khả năng giúp đỡ được nhiều mảnh đời bất hạnh, bản thân anh cũng đã từng trải qua những tháng ngày thật khó khăn, nhờ có những ân tình mà vượt qua.

Gian nan hành trình lập nghiệp

12 tuổi, trong khi các bạn còn cắp sách đến trường, yên ấm trong sự bao bọc của bố mẹ, gia đình thì Tuấn lên Hà Nội tham gia tổ bán báo, đánh giày. Kể về những ngày tháng đó, Tuấn không giấu được xúc động.

Đi làm từ sáng sớm tới tối muộn, bán báo ở đủ mọi nơi, có khi là trên tàu từ Hà Nội đi Phú Thọ, Yên Bái, đêm về chỗ ngủ của Tuấn là một chiếc thuyền ở trên sông Hồng, ở chung với nhiều người nghiện ma túy. Nhớ nhà, nhớ bố mẹ, Tuấn cố nén nước mắt, quyết ở lại Hà Nội kiếm tiền, không trở về. Đêm nào, Tuấn và các bạn cũng bị rủ rê, hút chích. Để tránh bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập, Tuấn và các bạn phải giả ngủ, ai gọi thế nào cũng không dậy.

Đi nhiều, Tuấn bị mắc bệnh khớp, sau đó chạy vào tim, phải vào bệnh viện chữa trị. Không muốn gia đình phải lo lắng, Tuấn giấu việc mình nằm viện. 12 ngày trong bệnh viện, Tuấn chỉ có một mình. Sau khi xuất viện về, Tuấn vẫn tiếp tục bán báo nhưng đăng ký tham gia lớp học nấu ăn.

Tuấn nhớ mãi, thời điểm đó tiết kiệm được 96 ngàn đồng, Tuấn cất, giấu cẩn thận vào một chiếc hộp, vùi sâu dưới những lá thư. Thế nhưng, chiếc hộp “bí mật” của Tuấn đã bị đánh cắp. Tiếc số tiền tích cóp bởi biết bao mồ hôi, công sức, Tuấn hỏi hết người này tới người khác trên thuyền.

Năm 1999, Tuấn được nhận vào làm ở khách sạn Hilton Hà Nội. Một lần, Tuấn được sếp người nước ngoài gọi lên gặp riêng. Tưởng bị sếp khiển trách gì đó, nhưng không ngờ, ông hỏi Tuấn có biết nước Anh không, biết đội bóng nào của Anh không? Sau đó, sếp nói với Tuấn rằng, muốn đưa Tuấn sang Anh giới thiệu ẩm thực Việt Nam và học hỏi thêm về bánh. Những tháng học ở đất nước xứ sở sương mù đã khiến Tuấn được mở mang tầm mắt, từ đó, xác định rõ hơn con đường cho mình.

Về nước, Tuấn được làm việc tại các khách sạn lớn, như: Sheraton Ha Noi, Imperial Hotel Hue, InterContinental Ha Noi... Tuấn còn đứng ra xây dựng đội ngũ cho nhiều khách sạn 4-5 sao hay mở tiệm bánh tại Hà Nội, TP HCM.

Sau đó, Tuấn quyết định đi làm trợ lý cho Master Chef Of French (MOF) Chef Jean Francois Arnaud – một đầu bếp làm bánh nổi tiếng người Pháp, cùng thầy đi trợ giảng khắp các nước từ Australia, Mỹ, Singapore, Indonesia,... Tuấn được gặp gỡ, học hỏi, chia sẻ với những đầu bếp làm bánh hàng đầu từ khắp mọi nơi trên thế giới. Sau đó, Tuấn có quãng thời gian làm sale, rồi xây dựng, setup một nhà hàng nổi tiếng ở Singapore.

“Đó thực sự như một giấc mơ với tôi. Khi còn nhỏ, đang nấu cơm, nhìn máy bay bay ngang qua nhà, tôi nghĩ ước gì mình có thể ngồi lên đó một lần, rồi chết cũng được. Ngày ở Hà Nội, khi ngồi xe bus bán báo qua khách sạn Hilton, tôi ngước nhìn tòa nhà cao vời vợi, trong lòng dậy lên ước mơ, nhưng nghĩ mình chẳng bao giờ có thể bước chân vào những nơi như vậy làm việc… Vậy mà giờ, tôi đã có thể thực hiện được tất cả những điều đó. Rồi từ cậu bé học hết lớp 5, tôi lại có thể đi làm giảng viên, rồi giảng dạy toàn bằng tiếng Anh”, anh Lê Văn Tuấn trải lòng.

Về Việt Nam hái “trái ngọt”

Năm 2016, sau hơn hai năm làm việc ở Singapore, chuẩn bị được cấp thẻ xanh, Tuấn quyết định về nước mở hiệu bánh, tạo thương hiệu riêng, thực hiện ước mơ ấp ủ nhiều năm của mình. Chọn Đà Nẵng làm nơi lập nghiệp, Tuấn mở thương hiệu "Tuanhilton 1999". Với kinh nghiệm nhiều năm, cùng với cái tâm trong làm nghề, kỹ càng từ khâu chọn nguyên liệu đến làm bánh, những chiếc bánh của Tuấn nhanh chóng nhận được sự đón nhận, yêu thích của khách hàng.

Năm 2018, Lê Văn Tuấn sáng lập thương hiệu Golden Pastry Bánh Vàng Việt Nam với những chiếc bánh được làm hoàn toàn từ nguồn nguyên liệu sạch, không sử dụng chất hóa học và chất bảo quản.

Công ty TNHH Golden Pastry Bánh Vàng Việt Nam đã vinh dự nhận được giải thưởng “Thương Hiệu Uy Tín 2022” do Viện Kinh Tế Và Quản Lý TP HCM kết hợp cùng Công Ty Bảo Ngọc Sài Gòn tổ chức, Giải thưởng Master Chef 2022 World Gourmet tại Malaysia.

Cũng trong năm này, Lê Văn Tuấn đã được vinh danh top 24 Master Chef xuất sắc thế giới do Gourmet quốc tế ghi nhận.

Tháng 5/2023, Chef Lê Văn Tuấn tiếp tục khai trương chuỗi thương hiệu Merci tại Đà Nẵng và sắp tới là Merci Hồ Chí Minh với cam kết: bánh được chế biến hoàn toàn 100% từ nguyên liệu trái cây tươi được cung cấp tại một số vùng trồng. Những chiếc bánh của Lê Văn Tuấn ngày càng được người tiêu dùng ưa thích, đón nhận.

Khi được hỏi điều gì đã khiến từ một cậu bé đánh giày có được thành tựu như ngày hôm nay, Lê Văn Tuấn chia sẻ, đó thực sự là một sự “may mắn”. May mắn bởi đã đủ ý chí, nghị lực để không sa vào con đường nghiện ngập. May mắn vì đã chọn đúng con đường là học hỏi với khát vọng vươn lên.

“Thời điểm đi bán báo ở các trường đại học, nhìn những anh chị sinh viên, tôi cảm thấy thèm muốn ánh sáng tri thức từ họ. Tôi cũng muốn được vươn lên, trở thành một con người có thể cống hiến nhiều giá trị cho xã hội”, Lê Văn Tuấn chia sẻ.

Một điều may mắn nữa, là Tuấn luôn nhận được rất nhiều ân tình từ những người bạn, người anh, người chị. Họ đã cho Tuấn những lời khuyên, chỉ bảo, cho Tuấn động lực và cả hỗ trợ lúc Tuấn khó khăn. Nếu không có những ân tình này, cũng có thể không có Tuấn của ngày hôm nay.

Làm thiện nguyện để trả nợ ân tình

Trưởng thành từ gian khó, vất vả, nhận được quá nhiều những ân tình, đến giờ, khi đã có sự vững mạnh nhất định về tài chính, Tuấn lại muốn san sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn, như một sự tri ân đối với cuộc đời.

Thời điểm COVID-19 hoành hành, công ty của Tuấn làm bánh mỳ phát hoàn toàn miễn phí cho bà con Đà Nẵng mỗi ngày vài ngàn chiếc, từ gia đình cho tới bệnh viện. Do đảm bảo yêu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhân viên của công ty ăn, ngủ, làm việc tại chỗ, để làm sao có bánh cung cấp cho cộng đồng. Mặc dù, lúc đó, chính công ty Tuấn cũng lâm vào khó khăn, phải vay nợ ngân hàng, nhưng Tuấn vẫn không dừng việc thiện nguyện, cung cấp bánh cho bà con.

Hằng năm, Tuấn đều có chương trình thiện nguyện, đến với trẻ em miền núi. Khi nhận được bánh, các em nhỏ đều vô cùng hạnh phúc. Đó cũng là niềm vui vô bờ bến của Tuấn.

Đợt bão lũ vừa qua tại miền Bắc, Tuấn đã hỗ trợ bà con 300 triệu đồng tiền mặt. Ngoài ra, anh còn tham gia rất nhiều các chương trình thiện nguyện khác. Công ty của Tuấn có nhận cả người bị bệnh Down vào làm việc. Tuấn để cho bạn trẻ đó được làm theo đúng năng lực của mình, không áp lực.

“Khi khó khăn, mình nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Đến giờ, tôi muốn trả ơn những gì mình đã nhận được từ cuộc đời”, Chef Lê Văn Tuấn chia sẻ.

Lê Văn Tuấn (SN 1979, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cho biết, giấc mơ của anh là đưa được bánh mì của người Việt ra nước ngoài, có thể sản xuất bởi chính người Việt Nam, được biết tới nhiều hơn. Từ những trải nghiệm của mình, Tuấn cho rằng điều này không khó.

“Làm bất kỳ cái gì cũng phải dành thời gian cho nó, phải có ước mơ và có sự nỗ lực, quyết tâm. Lúc mới đi làm, tôi cực kỳ áp lực, có những thời điểm đi làm từ 4-5h sáng tới 10h đêm mới về, sẵn sàng làm hai ca cả sáng và đêm. Nhờ có ước mơ, khát vọng, tôi đã vượt qua được những khó khăn, thử thách và cả những va vấp”, Chef Lê Văn Tuấn nói.

Mai Loan

BẢN DESKTOP