Y học và đời sống

Chế trà dược dưỡng sinh giúp tăng tuổi thọ

Tết đến xuân về nhà nào cũng có những gói trà, những lạng trà ngon trước là để cúng gia tiên trong 3 ngày Tết và cũng là để nhấm nháp thưởng thức hương vị của chén trà đầu xuân. Đặc biệt, tự chế trà dược dưỡng sinh độc đáo vừa để thưởng thức hương vị vừa bảo vệ và nâng cao sức khỏe rất có ý nghĩa.
trà dược dưỡng sinh

Ảnh minh họa.

Trong Đông y, trà dược (thuốc) là thứ đồ uống có giá trị rất cao trong việc bảo vệ sức khỏe. Trà dược có tính vị ngọt đắng, hơi hàn, vào 4 kinh: Tâm, Phế, Tỳ, Vị. Công dụng: thanh nhiệt, giáng hỏa, tiêu thực, làm tỉnh ngủ có thể trừ được uất nhiệt ở thượng tiêu, tỉnh táo đầu mắt, giải nắng nóng khát nước, uống vào sảng khoái, giải độc….Nhân dịp xuân về xin giới thiệu hai bài trà dược dưỡng sinh để bồi bổ sức khỏe, chống lão suy, tăng cường đề kháng, kéo dài tuổi thọ, giúp bổ thận, ích tinh, bảo vệ gan…

Dưỡng sinh trà: Long nhãn nhục 10g, câu kỷ tử 5g, đương quy 3g, cúc hoa 3g, đường phèn với liều lượng thích hợp, trà mạn 5g. Giã nát long nhãn nhục, câu kỷ tử, đương quy cùng cho vào ấm điện với cúc hoa, trà mạn, đường phèn, cho nước vào đun sôi là có thể uống.

Công dụng của trà dược dưỡng sinh: Bổ ích, khỏe người, dưỡng sinh, chống lão suy, phòng bệnh. Uống thường xuyên giúp kéo dài tuổi thọ.

Lợi ích của các vị thuốc trong trà: Long nhãn nhục tính vị bình, vào hai kinh Tâm, Tỳ. Bổ ích tâm tỳ, an thần, định chí, tươi nhuần cơ bắp, đẹp nhan sắc, dùng cho các chứng hư lao gày còm hay quên mất ngủ, tâm hồi hộp, sắc mặt tiều tụy, mắt lờ đờ thất thần;

Câu kỷ tử tính vị cam bình. Công năng bổ can thận, bổ tinh sáng mắt, chống lão suy, chủ yếu dùng cho can thận âm hư, thị lực giảm sút do tinh huyết bất túc gây nên, mắt mờ do nội chướng, mắt hoa đầu váng, lưng đau gối mỏi, di tinh, hoạt tinh, tai điếc, răng lung lay, râu tóc bạc sớm, mất ngủ, hay nằm mơ mộng, ra mồ hôi trộm, tiêu khát;

Đương quy tính vị cam, tân, ôn. Bổ huyết, hoạt huyết, nhuận tràng thông tiện, kinh nguyệt không đều, kinh bế, hành kinh đau bụng, đau bụng thuộc hư hàn, tê đau do phong hàn;

Cúc hoa tính vị tân cam khổ hơi hàn, sơ tán phong nhiệt, bình dẹp can dương, mát gan sáng mắt, thanh nhiệt giải độc, dùng cho cảm mạo phong nhiệt, can nhiệt mắt đỏ, hoa mắt, chóng mặt.

Kiện dương trà: Câu kỷ tử, đương quy, bổ cốt chi (phá cổ chỉ) mỗi vị 3g, trà mạn 5g. Cách dùng: Tán nhỏ 3 vị thuốc nói trên, cho nước vào đun sôi 1 lát. Lấy nước thuốc pha với trà mạn, chừng 15 phút là uống được.

Công dụng của bài trà dược này: Bổ thận tráng dương, ích tinh, sáng mắt, cố tinh, giảm đi nhiều tiển tiện, nạp khí dẹp yên suyễn thở. Có tác dụng bảo vệ can (gan) và chống can nhiễm mỡ.

Công năng độc đáo của các vị thuốc trong trà dược dưỡng sinh : Câu kỷ tử tính vị cam bình có tác dụng bổ can thận, bổ tinh sáng mắt, chống lão suy, chủ yếu dùng cho can thận âm hư, thị lực giảm sút do tinh huyết bất túc gây nên, mắt mờ do nội chướng, mắt hoa đầu váng, lưng đau gối mỏi, di tinh, hoạt tinh, tai điếc, răng lung lay, râu tóc bạc sớm, mất ngủ, hay nằm mơ mộng, ra mồ hôi trộm, tiêu khát;

Đương quy tính vị cam, tân, ôn, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, nhuận tràng thông tiện, kinh nguyệt không đều, kinh bế, hành kinh đau bụng, đau bụng thuộc hư hàn, tê đau do phong hàn;

Bổ cốt chi tính vị đắng, cay ôn, có tác dụng bổ thận tráng dương, cố tinh, giảm đi tiểu nhiều, ôn tỳ chỉ tả, thu nạp thận khí bình suyễn thở, thận hư dương nuy (liệt dương), lưng, đầu gối đau lạnh, thận hư di tinh, són đái, đái dầm, tỳ thận dương hư, ngũ canh tiết tả (đau bụng, ỉa chảy vào lúc canh năm, 5 giờ sáng).

TTND. Lương y giỏi Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam)

BẢN DESKTOP