Dữ liệu y khoa

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của trẻ mỡ máu cao

  • Tác giả : Khánh Thủy
Béo phì khiến trẻ dễ bị rối loạn lipid máu, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.

PGS.TS.BS. Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, rối loạn lipid máu là thuật ngữ chỉ tình trạng các chỉ số lipid máu cao hoặc thấp hơn ngưỡng an toàn (thường là cao hơn). Ngay cả người gầy cũng có thể bị rối loạn lipid máu, với tỷ lệ dao động từ 10-37%.

Máu chứa 3 loại lipid chính. Thứ nhất là lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C), được xem là cholesterol tốt vì giúp loại bỏ cholesterol dư thừa bảo vệ mạch máu, ngăn ngừa các biến chứng của tình trạng rối loạn mỡ máu. Thứ hai là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), loại cholesterol xấu, khi dư thừa sẽ tích tụ và hình thành mảng xơ vữa động mạch dẫn đến tăng huyết áp, thiếu máu, đột quỵ... Thứ ba là chất béo trung tính - triglyceride, có vai trò dự trữ năng lượng. Tuy nhiên khi lượng triglyceride dư thừa sẽ góp phần tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim...

Trẻ bị mỡ máu cao thường do yếu tố di truyền hoặc ít hoạt động thể chất. Kết quả của việc lười vận động là sự gia tăng các axit béo bão hòa trong cơ thể, dẫn đến tăng mức cholesterol xấu. Ngoài ra, có thể do bé có chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều thịt mỡ, đồ chiên rán, bơ thực vật, thịt đỏ, nội tạng, thức ăn nhiều đường, béo... nhưng lại ăn ít chất xơ (rau, củ, đậu, trái cây...).

Để duy trì chỉ số lipid máu ở mức ổn định, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn có nhiều chất xơ, vitamin, yếu tố vi lượng từ rau, củ, hoa quả.

Bên cạnh thăm khám, tuân thủ chế độ dinh dưỡng tư vấn bởi bác sĩ, thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng đối với trẻ rối loạn lipid máu. Trẻ thừa cân cần vận động với cường độ, thời gian hợp lý, khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 lần một tuần hoặc tùy theo tình trạng thừa cân.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP