Khoa học & Công nghệ

“Chạy đua” công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sĩ

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - Hài cốt liệt sĩ qua càng nhiều năm chất lượng càng thấp, người thân để đối chứng ADN cũng ngày một ít đi, do vậy, việc chạy đua tìm ra công nghệ tối ưu nhất giám định ADN hài cốt liệt sĩ là việc phải làm ngay.
Lễ bàn giao kết quả giám định ADN hài cốt liệt sỹ chưa rõ thông tin.

Lễ bàn giao kết quả giám định ADN hài cốt liệt sỹ chưa rõ thông tin.

Tối ưu hóa quá trình giám định

Chiều 27/7, tại Hà Nội, Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Lễ bàn giao kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ chưa rõ thông tin năm 2020 (đợt 1). Mẫu giám định hài cốt liệt sĩ được Trung tâm và Cục Người có công lấy tại một số Nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước (Vị Xuyên, Sông Mã, Việt Lào...), từ tháng 7/2019 đến nay. Sau 12 tháng, đã có 2.870 lượt phân tích mẫu hài cốt liệt sĩ và 180 lượt phân tích mẫu thân nhân được thực hiện. Kết quả thu được 669 trường hợp cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt có thể được dùng cho so sánh đối khớp.

Các mẫu hài cốt và thân nhân được thực hiện trên tổ hợp gồm 10 phòng thí nghiệm sạch của Trung tâm giám định ADN. Hệ thống này cho phép tách chiết ADN tự động, khuếch đại và kiểm định ADN, hệ thống giải trình tự ADN thế hệ mới, hệ thống server lưu trữ và phân tích dữ liệu... Với các mẫu khó, việc phân tích và giám định được phối hợp cùng Ủy ban quốc tế về người mất tích (ICMP), Phòng thí nghiệm nhận dạng ADN của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ (AFDIL) và tập đoàn QIAGEN (Đức).

PGS.TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết, các cán bộ nghiên cứu đã nỗ lực để hoàn thành kết quả thực hiện nhiệm vụ định danh liệt sĩ. Ngoài giám định theo quy trình thường quy, bước đầu các nhà khoa học đã áp dụng kỹ thuật giải trình tự gene cho phép một lần chạy máy đạt 62 mẫu. Cán bộ của Trung tâm đã làm chủ toàn bộ hệ thống thiết bị và hoàn thiện công nghệ. Trung tâm đã xây dựng, tối ưu hóa quy trình tách chiết ADN từ các mẫu xương. Trong đó có các quy trình tách chiết ADN từ xương lâu năm bằng phương pháp hữu cơ; tách chiết ADN từ xương lâu năm bằng hệ máy tự động EZ1 - Advantage; và tách chiết ADN từ xương lâu năm bằng phương pháp tủa Isopropanol. Hiện các nhà khoa học của Trung tâm bước đầu thử nghiệm xây dựng quy trình giám định mới trên hệ máy giải trình tự thế hệ mới với mục đích tăng độ chính xác với những mẫu xương lâu năm và mẫu xương thoái hóa.

Chạy đua với thời gian

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công cho hay, giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là một phương pháp khoa học và mang lại kết quả cao. Việc Trung tâm Giám định ADN phối hợp với Cục Người có công trong việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ thời gian qua đã góp phần trả lại rất nhiều danh tính liệt sĩ, giải mã được nhiều hệ gene của hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ để lưu trữ vào ngân hàng ADN. Trung tâm Giám định ADN cần đẩy nhanh hơn nữa việc tiến hành giám định ADN hài cốt liệt sĩ vì càng để lâu chất lượng các mẫu hài cốt liệt sĩ càng suy giảm cũng như thân nhân của liệt sĩ tuổi già, sức yếu.

NCS.ThS Hoàng Hà, Viện Công nghệ Sinh học cho biết, mẫu răng và mẫu xương ống còn nhiều ADN nhất nên khả năng giám định cao nhất. Tuy vậy, cũng rất nhiều mẫu không còn do thời gian mất đã quá lâu, an táng ở những nơi có vùng ngập nước, hài cốt bị phân hủy nhanh. Ở những vùng núi cao, đặc biệt là có khí hậu lạnh thì chất lượng hài cốt dùng để giám định ADN có chất lượng cao hơn. Do đó, khi khai quật về phòng thí nghiệm, có những mẫu thực địa mà cán bộ phải rửa mất một tuần mới xong để đưa vào phân tích.

Nói về nỗi truân chuyên khi đem hài cốt liệt sĩ đi giám định, ông Nguyễn Xuân Tế (Thái Thụy, Thái Bình) năm nay đã 82 tuổi cho biết, anh trai ông là liệt sĩ Nguyễn Văn Đới hy sinh tháng 2/1955 ở Thanh Hóa. Năm 2006 ông đi tìm mộ, bia mộ ghi rõ liệt sĩ Nguyễn Văn Đới nhưng không ghi quê quán địa chỉ nên ông phải chứng minh được là thân nhân của liệt sĩ. Sau 2 lần khai quật mộ, lấy mẫu răng, xương đi giám định mà không được, đến lần thứ 3 ông phải nhờ các cán bộ có chuyên môn đi cùng lấy mẫu. Kết quả chính xác 100%. “Tôi mất 23 lần đi Hà Nội, 19 lần đi Thanh Hóa, nhiều năm đi hết nơi này đến nơi cuối cùng mới tìm đúng địa chỉ và đưa được hài cốt anh tôi về”, ông Nguyễn Xuân Tế cho hay.

Tô Hội

BẢN DESKTOP