Khám phá

Châu Văn Liêm, người cách mạng kiên trung

  • Tác giả : Trịnh Dương
(khoahocdoisong.vn) - Châu Văn Liêm, người cách mạng kiên trung, một trong 2 đại biểu của An Nam cộng sản Đảng tham dự hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, hy sinh ngay trước mũi súng của giặc khi mới 28 tuổi.
  • Không làm thầy ký để học sư phạm

Châu Văn Liêm sinh ngày 29/6/1902 tại Rạch Tra, xã Thới Thạnh, huyện  Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống nho học. Từ nhỏ Châu Văn Liêm được cha là Châu Khắc Chấn dạy chữ Hán.

Cả cha lẫn mẹ là bà Trần Thị Tơ, đều dạy con sống theo đạo lý truyền thống và lòng yêu nước thương nòi. Những lời dạy bảo của cha mẹ ở tuổi ấu thơ đã tác động lớn đến tư tưởng và hành động của người chiến sĩ cách mạng Châu Văn Liêm sau này.

Năm 1915 lúc mới 13 tuổi, sau khi tốt nghiệp sơ học yếu lược ở quê, Châu Văn Liêm được cha mẹ gửi cho theo học tại Cần Thơ. Năm 1918, ông đỗ bằng tiểu học tại trường nội trú Cần Thơ. Năm 21 tuổi Châu Văn Liêm đỗ bằng Thành chung tại Sài Gòn. Có được tấm bằng này, lúc đó có khả năng ra làm thầy ký, thầy phán. Nhưng Châu Văn Liêm đã chối bỏ các thứ đó và tiếp tục theo học lớp sư phạm.

Trong những năm học ở Cần Thơ và Sài Gòn, Châu Văn Liêm có dịp tiếp xúc với các tài liệu lưu hành bí mật trong nước và ngoài nước, đặc biệt là bản yêu sách "Quyền các dân tộc" gửi tới Hội nghị Vecxay và một số tờ báo như Le Paris của Nguyễn Ái Quốc từ Pháp chuyển về. Các tài liệu này có ảnh hưởng sâu sắc đến chí hướng cách mạng của Châu Văn Liêm.

Tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh

Năm 1923 khi còn là một giáo sinh lớp sư phạm Sài Gòn, Châu Văn Liêm đã cùng với một số đồng môn tổ chức đấu tranh chống lại chủ trương của nha học chính Pháp, khi chúng buộc các anh em không tốt nghiệp làm phụ giáo.

Năm 1924, Châu Văn Liêm tốt nghiệp sư phạm rồi về dạy lớp một ở trường tiểu học Long Xuyên. Năm sau (1925) Châu Văn Liêm kết hôn với Phan Thị Cúc, khi cô vừa tròn 19 tuổi. Đầu năm học 1926-1927, thầy nhất Liêm chuyển về trường Long Điền, quận Chợ Thủ (nay thuộc tỉnh An Giang).

Ở Chợ Thủ, Châu Văn Liêm hợp nhất hai đội bóng đá Mỹ Luông và Long Điền thành một đội, tạo sự đoàn kết giữa bà con hai xã mà trước đó tên cò Tây đã chia rẽ, gây mất đoàn kết xóm làng.

Cùng năm đó, sau khi lên Sài Gòn dự lễ tang chí sĩ Phan Chu Trinh (ngày 24/3/1926) trở về, Châu Văn Liêm đứng ra tổ chức lễ truy điệu cụ Phan ngay tại sân bóng Mỹ Luông. Bà con cô bác, thanh niên, học sinh, giáo chức Mỹ Luông, Long Điền, Long Kiên đến dự rất đông. Châu Văn Liêm đã biến buổi lễ đó thành cuộc tập hợp lực lượng biểu dương ý chí của nhân dân địa phương. Bọn mật thám Pháp đã theo dõi và ghi tên ông vào sổ đen.

Châu Văn Liêm là người đề xướng thành lập hội giáo viên, học sinh yêu nước ở Long Xuyên (1926) và Việt Nam phục quốc đảng ở Cần Thơ (tháng 9/1926). Ông cùng với một số bạn bè bỏ tiền ra mở tiệm thuốc ở Thới Lai và tổ chức một con thuyền đưa đón khách từ Ô Môn tới Thới Lai, Cờ Đỏ (thuộc Cần Thơ), nhằm bí mật chắp nối, liên lạc với những người có tâm huyết để chuyển giao, phổ biến các tài liệu động viên lòng yêu nước trong đồng bào vùng Ô Môn.

Ở thị xã Long Xuyên cũng như Long Điền, ngoài những buổi dạy học, Châu Văn Liêm còn mở những lớp chống nạn mù chữ cho người nghèo, giữ gìn vệ sinh phòng bệnh chống mê tín dị đoan trong nhân dân địa phương.

(còn nữa)

Trịnh Dương

BẢN DESKTOP