Giáo dục

Chật vật học sách Tiếng Việt 1: “Mẹ ơi, con vô dụng rồi!”

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - “Mẹ ơi, con vô dụng rồi, mai sau lớn lên con chỉ làm nghề móc cống thôi phải không mẹ?’, một phụ huynh ở Hà Nội đã ứa nước mắt khi nghe con trai nói như vậy sau những buổi con chật vật học sách Tiếng Việt 1.

Học chữ này lại quên mất chữ khác

Sau hơn 1 tháng học chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới, KH&ĐS đã nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh về việc học sinh khó khăn, chật vật học sách giáo khoa mới, đặc biệt là với môn Tiếng Việt.

Chị Hạnh, một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ, chị có 3 đứa con. Trước khi con trai út vào lớp 1, chị cũng có đi tham khảo ý kiến của các giáo viên, các chuyên gia thì nhận được lời khuyên là không nên cho con học trước. Cộng với việc hai anh của bé học lớp 1 cũng khá dễ dàng, nên chị đã không cho bé đi học tiền tiểu học.

Con chị Hạnh chật vật khi vào lớp 1, và nói "Con vô dụng rồi" khiến mẹ rớt nước mắt.

Con chị Hạnh chật vật khi vào lớp 1, và nói "Con vô dụng rồi" khiến mẹ rớt nước mắt.

Thế nhưng, con vào học lớp 1 là lập tức chị bị sốc. Sách giáo khoa học với tiến độ học rất nhanh, rất “mới” khiến con chị không theo kịp. Cháu học chữ này lại quên mất chữ khác. Chưa kịp làm quen với chữ đã ghép vần. Rồi lại đọc đoạn văn. Thời gian dành cho tập viết rất ít. Việc học đối với con như một trận chiến.

Tối nào, chị Hạnh cũng cùng con ôn tập bài hôm nay vừa học, sau đó hướng dẫn con học bài ngày mai, để hôm sau cô dạy, con đã có một chút tư duy về chữ đó. Nhưng chị thấy rất vất vả, mệt mỏi. Hai con trước của chị học theo chương trình sách cũ rất ổn, không bao giờ phải học đến 10h đêm như với cháu này. Đó là con còn rất ý thức về việc học.

“Và một hôm, con nói một câu khiến tôi chảy nước mắt vì thương con: “Mẹ ơi, con vô dụng rồi mẹ ạ, mai sau lớn lên con chỉ làm nghề móc cống thôi hả mẹ?’. Tôi không biết ai nói với cháu không học được thì phải đi móc cống, nhưng có lẽ cháu quá thất vọng vì bản thân mình. Cháu đọc kém, viết thì xấu, hôm nào đi học cũng căng thẳng, áp lực. Tôi phải nói với con, động viên con rất nhiều”, chị Hạnh chia sẻ.

Chia sẻ của chị Hạnh cũng là tâm tư của rất nhiều phụ huynh khác có con học lớp 1 năm nay. Một phụ huynh khác cho biết, con chị về đọc các bài Tập đọc rất trơn tru, nhưng khi yêu cầu con đánh vần lại thì con không làm được. Chứng tỏ, việc đọc chỉ là “học vẹt”.

Học sinh chưa học chữ trước sẽ học đuối hơn

Trao đổi với cô giáo dạy con của chị Hạnh về vấn đề này, cô giáo cho biết, năm nay việc học khó khăn của học sinh lớp 1 xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Khó khăn thứ nhất là do dịch Covid-19, giai đoạn nghỉ dịch ở mẫu giáo các con kéo dài, nhiều con không được rèn nề nếp. Năm nay, khai giảng xong là các con học luôn, cũng không có giai đoạn làm quen nên có nhiều bỡ ngỡ.

Trong khi đó, sách giáo khoa học tiến độ nhanh, không có giai đoạn “vỡ lòng” như trước. Ở chương trình cũ, một hai tuần đầu học sinh chỉ tô những nét, những chữ như B, E, các con được làm quen dần dần. Còn theo chương trình mới hiện nay chữ nhiều, viết từ nhanh. Đặc biệt, những nét nối khó đã đưa lên trước rồi. Ví dụ, chữ nh nét nối rất khó. Chữ kh nối với e, nét nối cũng rất khó. Cho nên, học sinh gặp nhiều khó khăn.

Về vấn đề chương trình nặng hay nhẹ, giáo viên này chia sẻ, khi các giáo viên đi tập huấn, các thầy cũng có nói rằng, chương trình Tiếng Việt vẫn thế, kiến thức vẫn vậy, nhưng số tiết tăng lên thì thậm chí sẽ giảm tải, nhẹ đi.

Nhưng thực tế, số tiết là nhiều hơn thì tốc độ học chữ được đẩy nhanh hơn. Ví dụ, trước 1 tuần có 8 - 10 tiết học Tiếng Việt thì giờ 1 tuần có 12 tiết. Theo đó, các học sinh sẽ phải tiếp cận nhiều âm hơn. Học nhiều âm hơn đương nhiên sẽ nặng hơn.

Một khó khăn nữa là do năm nay dịch Covid-19, thời gian tập huấn dành cho các giáo viên ngắn, nên bản thân các giáo viên cũng cảm thấy bối rối, vừa dạy học sinh, vừa phải “làm quen” với chương trình mới.

“Việc đi học trước lớp 1 là sai quy định của Bộ GD&ĐT và giáo viên cũng không ủng hộ việc này. Tuy nhiên, với tình hình sách lớp 1 năm nay, học sinh nào không đi học trước lớp 1 thì việc học sẽ đuối, khó khăn hơn so với những em học được học trước”, một giáo viên chia sẻ.

Một bài Tập đọc của sách Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Cánh Diều.

Một bài Tập đọc của sách Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Cánh Diều.

Những bài tập đọc trúc trắc, “vô nghĩa”

Một trong những kiến nghị của phụ huynh và giáo viên về sách giáo khoa lớp 1 mới là về nội dung những bài tập đọc trong sách Tiếng Việt, cụ thể ở bộ sách Cánh Diều. Theo đó, những bài tập đọc này trúc trắc, khó đọc, như đánh đố học sinh, nội dung thì như một tập hợp "cơ học" các tiếng, vô nghĩa, không cho học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của Tiếng Việt, lẫn nội dung được chuyển tải. Ví dụ: “Ba Hà để bể cá ở hè. Bể có cá, có cò, le le. Cò ở bể cá là cò đá. Le le là le le gỗ”...

Điều này, khác sách Tiếng Việt cũ, bài Tập đọc là những vần thơ, đoạn văn giàu hình ảnh, uyển chuyển, dễ đọc, dễ nhớ, nội dung cũng rất hay. Ví dụ: ““Trời ren rét/Tết đến rồi/Đào mai nở/thật là vui”, “Con gà mái mẹ/Cặm cụi tìm mồi/Để đàn con nhỏ/nhởn nhơ vui chơi”...

Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở báo cáo phản ánh từ giáo viên và phụ huynh

Trước những phản ánh của phụ huynh và giáo viên về việc sách giáo khoa lớp 1, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các Sở GD&ĐT yêu cầu tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học.

Theo đó, văn bản nêu rõ: Năm học 2020 - 2021, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã được triển khai thực hiện đối với lớp l. Ngay sau khai giảng năm học mới, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát ở một số địa phương và nhận thấy các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường.

Các giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nền nếp dạy học đã bước đầu ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh lớp l đối với hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình, sách giáo khoa mới.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh, chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp l còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học.

Để tiếp tục hỗ trợ các nhà trường, giáo viên triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.

Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bố hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng dẫn tại Công văn số 1315/BGDĐT-GDTH ngày 16/4/2020 về Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình.

Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục Tiểu học) theo quy định.

Mới đây, tại buổi họp báo, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cũng khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản biện, vấn đề phát sinh. Khi có đầy đủ căn cứ khoa học, qua các giai đoạn, đánh giá nhiều mặt, chương trình sẽ được điều chỉnh kịp thời.

Mai Loan

BẢN DESKTOP