Ngân hàng

Chất lượng nợ của ngân hàng đang đi xuống và khó kiểm soát

  • Tác giả : Tuấn Thuỷ
(khoahocdoisong.vn) - Theo Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 của các ngân hàng công bố mới đây, tổng nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ước tính khoảng trên 96 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện phương án tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu phải hoàn thành trong năm 2020.

Nợ xấu đang tăng mạnh

Đứng đầu trong danh sách các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng cao là ngân hàng Kiên Long (KienlongBank). Nợ xấu nội bảng của ngân hàng này trong 6 tháng qua là 2.250 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của KienlongBank là 6,6%, mức cao kỷ lục trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank đầu năm chỉ khoảng 1%.

Khoản nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5) của KienlongBank sau 6 tháng tăng đột biến gần 800%, lên 2.146 tỷ đồng. Riêng số nợ này đã chiếm 2/3 số vốn điều lệ của KienlongBank (3.237 tỷ đồng). Trong đó, 1.896 tỷ đồng đến từ nhóm khách hàng vay nợ có tài sản bảo đảm là 176 triệu cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank. 

Đến nay, KienlongBank đã 4 lần chào bán số cổ phiếu STB trên để thu hồi nợ, nhưng đều thất bại. Mặc dù, giá chào bán đã giảm dần từ 24.000đ/cổ phiếu xuống còn 17.496đ/cổ phiếu. 

Đáng chú ý, giá chào bán cổ phiếu STB của KienlongBank sau 4 lần điều chỉnh vẫn khá cao so với giá giao dịch trên sàn hiện nay của cổ phiếu này (thời điểm 10/8 là 10.600đ/cổ phiếu).

Trùng hợp, Eximbank cũng nhận “trái đắng” nợ xấu khi cho khách hàng vay hơn 746 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là 75 triệu cổ phiếu STB. Dự kiến, Eximbank sẽ chào bán cổ phiếu STB trong năm nay.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2020 của Sacombank, ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, thời gian qua cổ phiếu ngân hàng này dao động quanh mức 10.000đ, có thời điểm lên gần 13.000đ. Dịch Covid-19 xảy ra đã khiến cổ phiếu bị bán tháo, kéo giá giảm mạnh, có lúc xuống đáy 7.500đ. Cổ phiếu STB trở lại ngưỡng trên 10.000đ từ cuối tháng 6, đầu tháng 7./020. Dù đã có sự tăng trưởng trở, nhưng còn xa mới đạt mức giá trị sổ sách của STB (15.000đ). Theo ông Tuấn, cổ phiếu STB đang giao dịch dưới giá trị sổ sách.

Đây có thể là một giải thích thuyết phục cho việc KienlongBank ế lô cổ phiếu STB, dù đã hạ giá tới 4 lần xuống còn 17.496đ/cổ phiếu thì vẫn quá cao so với giá giao dịch hiện hữu trên sàn. Điểm đáng chú ý, ban đầu  KienlongBank chào bán cổ phiếu STB ở mức 24.000đ/cổ phiếu, cho thấy trong giai đoạn định giá cho vay, KienlongBank đã định giá cổ phiếu này ở mức khá cao. Lưu ý là sau giai đoạn thăng hoa (có lúc lên tới 168.000đ/cổ phiếu), nhưng từ khi bước vào giai đoạn xuất hiện tin đồn bị nhóm nhà đầu tư đến từ Phương Nam Bank và Eximbank phát động thâu tóm (giữa năm 2011), giá cổ phiếu STB hiếm khi gượng lại quá ngưỡng 17.000đ/cổ phiếu, thậm chí có thời điểm chỉ còn 7.000đ/cổ phiếu.

BIDV hiện đang là ngân hàng có số nợ xấu cao nhất toàn hệ thống với 22.769 tỷ đồng (chiếm 57% vốn điều lệ), tiếp theo là Vietinbank (15.969 tỷ đồng), VPBank (8.613 tỷ đồng), Sacombank (6.683 tỷ đồng), Vietcombank (6.433 tỷ đồng)... 

Nợ xấu nội bảng tăng cao, nhưng hầu hết các ngân hàng vẫn duy trì được tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo quy định. Ngoại trừ VPBank có tỷ lệ nợ xấu là 3,2%, PGBank 3,07%. Các ngân hàng còn lại đều có tỷ lệ nợ xấu tăng dưới 3% như Saigonbank (2,3%), VIB (2,4%), SHB (2,5%), NCB (2,1%), BIDV (2,0%)... Sacombank cũng không ngoại lệ, khi nợ xấu tăng 17% so với đầu năm, trong đó nợ nhóm 5 là 5.289 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu của Sacombank vẫn được duy trì ở mức 2,2% .

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam đang đối phó với đợt dịch bệnh thứ 2, với số ca nhiễm và tử vong gia tăng nhanh. Nhiều doanh nghiệp chưa kịp phục hồi, giờ thêm suy yếu hơn. Chính vì thế, nợ xấu của các doanh nghiệp có khả năng sẽ tăng rất mạnh trong năm nay. Nợ xấu sẽ tăng mạnh ở một số ngành kinh tế như: khai khoáng, xây dựng, giao thông vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, nghệ thuật, vui chơi, giải trí...

Ước tính, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản nợ xấu tiềm ẩn có thể sẽ vượt mức 5% vào cuối năm 2020 và có thể còn cao hơn, tuỳ vào diễn biến của dịch bệnh.

Khó kiểm soát số nợ xấu thực tế

Nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ.

Thông tư 01 được cho là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh, không bị chuyển nhóm nợ, có thể tiếp tục vay vốn. Ngân hàng cũng được hưởng lợi không ít khi nhiều khoản nợ xấu được “che đậy” để làm đẹp sổ sách.

Trước tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh, ngày càng nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh trả nợ vay. Thay vì bị chuyển sang nhóm 3 - nhóm 5, ngân hàng sẽ khoanh vùng món nợ đó lại theo quy định, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ đó. Hiển nhiên, khoản nợ này không trở thành nợ xấu. Trích lập dự phòng vì thế không tăng lên, lợi nhuận của ngân hàng không bị ảnh hưởng.

TS Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn cho rằng, số nợ xấu của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2020 chưa phải là thực chất, chưa thể hiện chính xác và có thể còn cao hơn rất nhiều. Vì hiện nay, nhiều khoản nợ được cơ cấu lại, không bị chuyển sang nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và có khả năng mất. Chỉ nội bộ ngân hàng mới biết được chất lượng nợ cho vay thật sự như thế nào. Thậm chí, ngay cả cơ quan quản lý cũng không nắm rõ được thực chất con số nợ xấu là bao nhiêu ngoài thông tin được ghi nhận trong báo cáo tài chính.

Theo vị chuyên gia này, các ngân hàng cần có thêm sổ sách theo dõi ngoại bảng, ghi nhận những khoản nợ chứa nhiều rủi ro tín dụng theo đúng thực tế. Như vậy, bộ phận quản trị rủi ro tín dụng sẽ nắm rõ được và có phương án thích hợp giảm bớt nguy cơ rủi ro.

Nếu ngân hàng lợi dụng chính sách để “che giấu” nợ xấu, tạo ra một phần tài sản ảo, dẫn đến lợi nhuận ảo trong ngắn hạn, thì nợ xấu và rủi ro tín dụng sẽ bị tích dồn lại cho tương lai. Điều này sẽ dẫn tới những hệ luỵ không hề nhỏ cho ngân hàng.

“Nợ xấu không được ghi nhận đúng với con số thực tế dần dần sẽ làm thâm hụt vốn sở hữu của ngân hàng, khiến ngân hàng đó bị âm vốn. Điều này rất nguy hiểm, khi đó ngân hàng sẽ không còn có “gối đệm” để gánh đỡ những “cú va đập” của nền kinh tế. Ngân hàng sẽ mất khả năng thanh khoản và phá sản. Trong lịch sử ngân hàng Việt Nam, đã có trường hợp như vậy xảy ra” - TS Hiếu cảnh báo.

Tuấn Thuỷ

BẢN DESKTOP