Đời sống

Chất cảnh báo gây ung thư trong cà phê Starbucks độc hại đến đâu?

Một thẩm phán tại Los Angeles (Mỹ) vừa ra phán quyết buộc công ty Starbucks và các hãng bán cà phê khác phải gắn nhãn cảnh báo nguy cơ gây ung thư lên các sản phẩm cà phê bán tại California.

Reuters mới đây đưa tin, một thẩm phán tại Los Angeles (Mỹ) vừa ra phán quyết buộc công ty Starbucks và các hãng bán cà phê khác phải gắn nhãn cảnh báo nguy cơ gây ung thư lên các sản phẩm cà phê bán tại California.

Vụ kiện này bắt đầu từ một tổ chức phi lợi nhuận ít tiếng tăm có tên là Council for Education and Research on Toxics (CERT) vào năm 2010, đã kiện khoảng 90 cửa hàng bán lẻ cà phê, trong đó có Starbucks, với lý do họ vi phạm luật pháp California, vì không cảnh báo người tiêu dùng về những hóa chất gây ung thư có trong sản phẩm của họ.

Một trong những chất này là acrylamide, phụ phẩm sinh ra trong quá trình rang cà phê, vốn chứa hàm lượng cao trong các sản phẩm cà phê pha chế. Acrylamide, có công thức phân tử là C3H5NO, là hợp chất được tạo ra một cách tự nhiên trong một số thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu carbonhydrate và ít protein trong quá trình chế biến hoặc chiên, rán, nướng ở nhiệt độ cao.

Acrylamide được biết là chất gây ung thư trên động vật thí nghiệm và lần đầu tiên được tìm thấy trong thực phẩm bởi cơ quan Cục Thực phẩm quốc gia Thụy Điển năm 2002.

Acrylamide hình thành từ các thành phần được tạo ra một cách tự nhiên trong một số thực phẩm khi nấu ở nhiệt độ đủ cao, ≥ 1200C. Theo các nhà khoa học, acrylamide không có mặt trong bất kỳ thành phần nào của các loại thực phẩm trước khi chế biến và nó không phải là một chất gây hại cố tình được thêm vào trong các bước chuẩn bị trước chế biến.

Trong công nghiệp, acrylamide được sử dụng để sản xuất nguyên liệu polyacrylamide dùng trong xử lý nước uống và nước thải để loại bỏ những hạt huyền phù và các tạp chất và sản xuất hồ dán, giấy và mỹ phẩm. Acrylamide còn sử dụng trong xây dựng các công trình như xây đập và đường hầm chịu nhiệt độ cao.

Từ năm 2010, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) và Ủy ban chuyên gia về tiêu chuẩn thực phẩm (Codex), Ủy ban an toàn thực phẩm Châu Âu đã đề cập đến acrymilade như một quan ngại cho sức khỏe con người. Các chuyên gia y tế cho rằng, tiếp xúc nhiều với hóa chất acrylamide khiến cơ thể đổ mồ hôi, đi tiểu không kiểm soát, buồn nôn, đau mỏi cơ…

Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm trên chuột cho thấy rằng liều cao acrylamide có thể gây ra bệnh ung thư ở động vật, vì vậy nó được cho là có thể gây ảnh hưởng tương tự đối với người. Mặc dù vậy, sự suy ra này vẫn chưa được chứng minh ở con người.

Cho đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng về hàm lượng acrylamide trong các loại thực phẩm gây độc cho người tiêu dùng, chưa có bằng chứng khoa học về hàm lượng, cơ chế… của chất này gây ung thư ở người.

Acrylamide còn bị coi là một chất độc thần kinh có khả gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Dựa trên các nghiên cứu trên động vật, sự phơi nhiễm lặp đi lặp lại hoặc phơi nhiễm ở liều cao hơn mức an toàn có thể làm giảm khả năng sinh sản. Ảnh: Internet.

Theo Thảo Nguyên (Kiến Thức)

BẢN DESKTOP