Chữa bệnh không dùng thuốc

Cháo tâm sen cho người cao huyết áp

  • Tác giả : BS Xuân Mai
(khoahocdoisong.vn) - Chỉ với 5g tâm sen nấu cháo ăn không chỉ giúp điều trị bệnh cao huyết áp mà còn phòng chống suy nhược cơ thể ở người già, hoa mắt chóng mặt, nôn và ho ra máu, táo bón...

Món cháo này có tên Liên tử tâm: Liên tử tâm (tâm sen) 5g, gạo tẻ 100g, hai thứ đem ninh nhừ thành cháo, chế thêm một chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Món cháo này có công dụng: Thanh nhiệt, lương huyết, dưỡng tâm, an thần, được dùng chữa các chứng bệnh suy nhược cơ thể ở người già, hoa mắt chóng mặt, đau mắt đỏ, cao huyết áp, nôn hoặc ho ra máu, đại tiện ra máu, táo bón kéo dài...

Tâm sen có tên khoa học là Nelumbo nucifera Gaertn, trong thành phần hóa học có chứa các chất chủ yếu như liensinine, neferin, isoliensinine...

Theo dược học cổ truyền, tâm sen vị đắng, tính lạnh có công dụng thanh tâm, trừ phiền, cầm máu, trị thổ huyết (ho ra máu), di tinh và đau mắt đỏ. Từ lâu người ta đã dùng trà tâm sen (tâm sen 3g rửa sạch, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được uống thay trà trong ngày) để chữa hoa mắt chóng mặt, nhịp tim nhanh, hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ...

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, tâm sen có tác dụng hạ huyết áp thông qua cơ chế làm giãn cơ trơn thành mạch máu và giảm trở lực huyết quản, phòng chống rối loạn nhịp tim, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, chống oxy hóa. Nó cũng cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim nhờ khả năng làm giãn thành mạch máu, giảm lượng tiêu thụ oxy của cơ tim và cải thiện lưu lượng tuần hoàn động mạch vành tim.

Theo quan niệm của y học cổ truyền, tâm là một trong những ngũ tạng quan trọng có hai công năng chủ yếu: Một là chủ huyết mạch (thúc đẩy huyết dịch vận hành thông suốt trong mạch máu) và tàng thần (làm chủ mọi hoạt động sinh lý của các tạng phủ và hoạt động tinh thần, ý thức và tư duy của cơ thể). Bởi vậy, khi tâm bị bệnh thì một trong những chứng trạng thường thấy là tinh thần dễ hoảng hốt, khó tập trung, trí nhớ giảm sút, mất ngủ, giấc ngủ không sâu và nhiều mộng mị, y học cổ truyền gọi là tâm thần bất yên và hư nhược.

Tâm sen có tác dụng chủ yếu trên tạng tâm (theo y học cổ truyền) và tim (theo y học hiện đại). Tuy nhiên, tâm sen tính lạnh nên những người tỳ vị hư yếu, hay rối loạn tiêu hóa và đi lỏng mạn tính không được dùng.

BS Xuân Mai (Hội Đông y Việt Nam)

BS Xuân Mai

BẢN DESKTOP