Dữ liệu y khoa

Cháo gạo nếp bồi bổ chống động thai

  • Tác giả : BS Khánh Hoàng
(khoahocdoisong.vn) - Khi bị động thai, chị em có thể dùng gạo nếp phối hợp với một số thực phẩm và thảo dược nấu cháo vừa giúp bồi bổ cơ thể vừa giúp an thai, tăng cường sức khỏe rất tốt.

Vì một lý do nào đó người phụ nữ đang mang thai thấy xuất hiện triệu chứng ra một chút máu âm đạo, có thể kèm theo mỏi lưng, đau bụng dưới thì nhất thiết phải nghĩ tới tình trạng động thai, chứng bệnh mà y học cổ truyền gọi là thai lậu, thai động bất an...

Khi thấy các dấu hiệu trên, thai phụ phải nằm nghỉ ngay và ngoài việc tuân thủ triệt để các biện pháp của y học hiện đại nên tăng cường phối hợp với các món ăn bài thuốc của y học cổ truyền.

Cháo hạt sen + sơn thù: Gạo nếp 100 – 150g, hạt sen 60g, sơn thù nhục 45g hoặc khiếm thực 30g, hạt sen 30g, gạo nếp 100g, ba thứ rửa sạch, ninh kỹ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Kiện tỳ bổ thận, an thai chỉ huyết, dùng cho những trường hợp động thai thuộc thể tỳ thận hư nhược, biểu hiện bằng các chứng trạng: Ra huyết âm đạo sắc nhợt, đau lưng nhiều, tai ù, đầu choáng mắt hoa, tiểu tiện đêm nhiều, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt.

Cháo củ mài: Gạo nếp 100g, hoài sơn tươi (củ mài) 50 – 100g, hai thứ nấu thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Kiện tỳ ích khí, bổ thận an thai, dùng cho những trường hợp động thai thuộc thể tỳ thận hư nhược.

Cháo a giao: Gạo nếp 50g, a giao 30g. A giao 30g đập nhỏ, sao vàng, tán thành bột; gạo nếp 50g nấu thành cháo rồi hòa bột a giao, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Dưỡng huyết, an thai, dùng cho những trường hợp động thai thuộc thể khí huyết hư nhược, với biểu hiện âm đạo ra huyết lượng ít sắc nhợt, sắc mặt nhợt nhạt, mệt mỏi, bụng đầy trướng, lưng đau, hay hồi hộp và hoa mắt chóng mặt, ngủ kém hay mê mộng, chán ăn, đại tiện lỏng loãng, chất lưỡi nhợt.

Chào gà + mực: Gà mái nhỏ 1 con, cá mực khô 1 con, gạo nếp 100 – 150g. Gà làm sạch, bỏ phủ tạng, đem hầm với cá mực lấy nước nấu với gạo nếp thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụngÍch khí bổ huyết, chỉ huyết an thai, dùng cho những trường hợp động thai thuộc thể “khí huyết hư nhược”.

Cháo cá chép: Cá chép 1 con nặng chừng 500g, trữ ma căn (rễ cây gai) 20 – 30g, gạo nếp 50g. Cá chép làm sạch, chặt khúc nấu với rễ gai lấy nước rồi ninh cùng gạo nếp thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn hai lần trong ngày. Công dụng: ích khí dưỡng huyết, an thai, dùng cho những trường hợp động thai thuộc thể “khí huyết hư nhược”.

Cháo sinh địa: Gạo nếp 100 – 150g, sinh địa 30g, trữ ma căn 30g (nếu tươi dùng 60 – 90g). Sắc sinh địa và trữ ma căn lấy nước cốt rồi ninh với gạo nếp thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Tư âm thanh nhiệt, dưỡng huyết an thai, dùng cho các trường hợp động thai thể âm hư nội nhiệ” với biểu hiện âm đạo xuất huyết sắc đỏ tươi, lưng bụng đau trướng, tâm trạnh bồn chồn không yên, lòng bàn tay và bàn chân nóng, môi khô họng khát có cảm giác sốt nhẹ về chiều, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ.

Cháo đậu đen: Đậu đen 30g, tục đoạn 30g, gạo nếp 60g. Tục đoạn gói vào túi vải đem ninh với đậu đen và gạo nếp thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Bổ can thận, điều khí huyết, an thai, thai, dùng cho các trường hợp động thai thể âm hư nội nhiệt.

Cháo hồng táo: Trữ ma căn tươi 50g, hồng táo 10 quả, gạo nếp 100g. Sắc trữ ma căn lấy nước nấu với gạo và hồng táo thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Bổ thận, dưỡng huyết, an thai, dùng chung cho các trường hợp động thai.

BS Hoàng Khánh (Hội Đông y Việt Nam)

BS Khánh Hoàng

BẢN DESKTOP