Theo y học cổ truyền, chanh dây có vị chua, tính mát không độc. Công năng chủ trị thanh nhiệt mát gan, nhuận tràng, bớt mệt mỏi, dễ ngủ… Theo dược lý hiện đại, trong 100g nước quả chanh dây có chứa 30 - 120mg sinh tố C, 120 - 380mg axit malic, 0,6mg butyric, 3mg caproic, 1,5 - 6mg PP, 48 - 200mg photpho, 300 - 1.000mg kali, 1.000mg protein, 1.700 caroten, 500 - 1.200mg chất xơ, 1.000mg flavonoit... đều là dưỡng chất rất có lợi cho cơ thể. Đặc biệt, chanh dây rất giàu vitamin C, là chất có vai trò bảo vệ thành mạch, giúp vết thương mau lành, ngừa xuất huyết (chảy máu lợi, chảy máu dưới da), ngăn ngừa oxy hóa, giảm cholesterol, giúp tế bào gan giải độc.
Polyphenol là hợp chất thực vật có trong chanh dây có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm, làm giảm nguy cơ viêm mạn tính và bệnh tim. Hạt của chanh dây rất giàu piceatannol, một loại polyphenol có thể cải thiện độ nhạy insulin ở nam giới thừa cân và có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 2. Beta carotene có trong chanh dây là một chất chống oxy hóa quan trọng mà cơ thể chuyển đổi thành vitamin A. Vitamin A có vai trò ngăn ngừa suy giảm thị lực. Chanh dây rất giàu chất xơ, đây là chất rất quan trọng giữ cho đường ruột khỏe mạnh và ngăn ngừa táo bón. Chất xơ hòa tan giúp làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, ngăn ngừa sự tăng đột biến lượng đường trong máu.
Chanh dây là loại trái rất bổ dưỡng, trẻ em và người lớn có thể dùng chanh dây hàng ngày giống như nước cam nước chanh. Tuy nhiên chanh dây cũng như trái có vị chua khác không nên dùng lúc đói dễ xót bụng. Trường hợp viêm loét dạ dày, tá tràng dùng ít.
Lương y Nguyễn Văn Phúc