Dọc đường

“Chân đất” du học, mang điện về bản

Chị là Phạm Thị Năm, người phụ nữ dân tộc Mường, 50 tuổi, lần đầu xuất ngoại để học nghề điện tại một ngôi trường ở Ấn Độ dành cho những phụ nữ “chân đất” không biết tiếng, thậm chí là mù chữ. Sau 6 tháng học nghề, trở về, chị đã trở thành kỹ thuật viên của Ban Năng lượng mặt trời tại thôn Thung, Lang Chánh, Thanh Hóa, giúp đem ánh sáng đèn điện về cho bà con nơi đây.

Lạ lẫm và mới mẻ

Nghe câu chuyện của chị Năm, chắc hẳn ai cũng không khỏi thán phục làm sao một người phụ nữ có tuổi, sống ở một nơi xa xôi hẻo lánh mà từ thời ông cha đến giờ chưa biết điện là gì, một chữ tiếng Anh cũng không biết vậy mà có thể sang Ấn Độ để học nghề điện.

Gặp chị với vô số câu hỏi “vì sao”, “học bằng cách nào”… tôi khá bất ngờ với vẻ nhanh nhẹn, thân thiện của chị. Chị Năm kể: “Chị đi học theo chương trình dự án “Tiếp cận năng lượng mặt trời và phát triển các hoạt động tạo thu nhập cho phụ nữ nghèo tại tỉnh Thanh Hóa” của Tổ chức Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ GRET”. Họ làm việc với địa phương và chọn ra được 4 người phụ nữ có khả năng phù hợp nhất để cho sang Ấn Độ học.

“Ban đầu tôi sợ lắm, mình có biết điện là gì đâu, từ bé đến giờ còn chưa nhìn thấy cái dây điện hay cái bóng đèn. Lại còn ra nước ngoài nữa, có biết nghe, biết nói gì đâu, sang đó thì cũng như câm như điếc ấy, rồi học làm sao. Nhưng được các cán bộ dự án động viên nên cũng yên tâm hơn”, chị Năm chia sẻ.

“Rồi thì gia đình cũng ngăn cản, vì lo mình là phụ nữ, chưa từng tham gia công tác gì ở thôn bản chứ nói gì đến tham gia dự án này khác, lại chưa bao giờ đi đâu xa nhà thì sẽ ra nước ngoài thế nào…” Đù thứ lo lắng đấy, nhưng cứ nghĩ có 4 chị em thì sẽ cùng nhau vượt qua hết, thế là những người phụ nữ “chân đất” quyết tâm động viên gia đình, sắp xếp ổn thỏa để đi.

Quyết tâm là thế, mà ra đến sân bay đã run, các chị cũng cứ phải nắm tay động viên nhau suốt. “Bước chân xuống Ấn Độ, về đến trường gặp gỡ những người đã học khóa trước, chả biết nói gì với nhau nhưng họ bắt tay thân thiện lắm, nhiều người còn ôm vai động viên, làm mình xúc động, chảy nước mắt”, chị Năm kể.

4 người phụ nữ

4 người phụ nữ “chân đất” lần đầu xuất ngoại du học.

Rồi cũng đến ngày đi học. Lần đầu tiên, những người phụ nữ “chân đất” được làm quen với bộ dụng cụ và các vật liệu, vừa làm quen vừa học tiếng Anh gọi tên các dụng cụ đó.

“Hơn 50 người từ 12 nước cùng học với nhau. Chủ yếu là ra dấu thôi, nhưng họ cứ chỉ từng thứ dụng cụ và dạy nói bằng tiếng Anh, dạy rất kỹ cho đến khi thuộc từ đó. Thế mà đến khi kiểm tra cũng cứ run bắn người. Họ gọi lần lượt từng người một, chỉ và đọc tên từng thứ, cái gì chưa đúng lại học lại”, chị Năm cho biết.

Cứ như thế suốt hai tháng đầu, từ chỗ hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm, các chị đã biết đến những dụng cụ, thiết bị liên quan đến điện, đến năng lượng mặt trời. Rồi tiếp đó là học các thao tác, kết nối, lắp đặt thiết bị…; cho đến khi thuần thục, có thể tự thao tác đấu nối thiết bị là cả một kỳ tích đối với các chị.

Trường học “chân đất”

Tổ chức Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ (GRET), được thành lập năm 1976 tại Pháp và có mặt tại Việt Nam từ năm 1988. Từ đó GRET đã triển khai nhiều hình thức trợ giúp rất đa dạng trong các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, sức khoẻ cộng đồng và phát triển thể chế.

Để thực hiện dự án “Tiếp cận năng lượng mặt trời và phát triển các hoạt động tạo thu nhập cho phụ nữ nghèo tại tỉnh Thanh Hóa” GRET đã kết hợp với trường Barefoot ở Tilonia, Ấn Độ, là một tổ chức tình nguyện hoạt động về giáo dục, y tế, nữ quyền và cung cấp điện mặt trời cho người dân sống tại vùng sâu vùng xa.

Với cái tên trường Barefoot – “chân đất” (trường dành cho những người đi chân đất – người nghèo), đây là một ngôi trường đặt biệt dạy những người dân nông thôn, đặc biệt là phụ nữ, nhiều người trong số họ đều mù chữ, để trở thành những “kỹ sư” năng lượng mặt trời, những “nghệ sĩ”, “nha sĩ” hay “bác sĩ” trong chính ngôi làng của họ.

Với mục tiêu những người được gửi đi đào tạo sẽ quay trở lại phục vụ cộng đồng sau khi kết thúc khoá học, tiêu chí lựa chọn là những phụ nữ trên 40 tuổi đã có gia đình và sinh sống tại các thôn của dự án GRET. Họ không cần biết ngoại ngữ, thậm chí không cần biết đọc, biết viết.

Để phù hợp với các tiêu chí này, trường học “chân đất” Barefoot đã thiết kế và thực hiện một chương trình đào tạo rất đặc biệt bỏ qua kiểu dạy học truyền thống nặng về lý thuyết hay chứng chỉ bằng cấp mà tập trung vào cách thức chỉ bảo tận tay, vừa học vừa làm.

Cuối khoá học, các học viên “chân đất” có thể lắp nối các mạch điện của đèn xách tay, vận hành bộ điều khiển sạc và máy kích điện, lắp ráp các bộ phận, bình ắc quy, đèn điện và bộ điều khiển.

Từ “chân đất” trở thành kỹ thuật viên

Kết thúc khóa học, những người phụ nữ “chân đất” đã trở thành những “nữ kỹ thuật viên”, trở về nhà, truyền đạt lại các kiến thức học được cho người dân và lập nên Ban năng lượng mặt trời tại mỗi thôn. Với sự hỗ trợ của cán bộ dự án, Ban đi đến từng nhà để lắp bộ thiết bị năng lượng mặt trời gồm tấm pin mặt trời, bình ắc quy, máy kích điện, đèn xách tay cỡ lớn và 4 ống đèn tuýp.

Chị Năm từ một người phụ nữ

Chị Năm từ một người phụ nữ “chân đất” đã có thể lắp đặt, sửa chữa các thiết bị chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời.

Toàn bộ các trang thiết bị này được dự án nhập khẩu trực tiếp từ Ấn Độ và cung cấp miễn phí cho người dân các thôn. Sau khi lắp đặt thiết bị, tất cả các hộ trong thôn đều được thắp sáng bằng điện mặt trời.

Nếu trong quá trình hoạt động có trục trặc, hộ dân sẽ liên hệ với Ban Năng lượng để được trợ giúp. Ông Nguyễn Hữu Ninh, Trưởng Đại diện của GRET Việt Nam cho biết: “Mỗi thôn cũng lập ra Quỹ Năng lượng mặt trời để bảo trì duy tu trang thiết bị và mua sắm các linh kiện mới khi cần thiết nhằm đảm bảo tính bền vững của dự án. Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền dầu đèn cho các hộ dân ở vùng chưa có điện lưới; và tại các thôn này, được sự đồng thuận của người dân, khoản tiền hỗ trợ dầu đèn này được tính toán phù hợp để đưa vào Quỹ Năng lượng mặt trời phục vụ cho bà con”.

Ông Trần Văn An, cán bộ dự án tại địa phương cho biết thêm: “Bà con ở đây chịu nhiều thiệt thòi vì không có điện. Nay có điện mặt trời giúp các thôn bản sáng sủa và ấm cúng. Buổi tối trẻ em có đèn điện để học bài, các bà các chị không phải lọ mọ nấu ăn như trước kia nữa. Tuy nhiên, tôi thấy thành quả ý nghĩa nhất của dự án là thay đổi trong nhận thức của các chị kỹ thuật viên nói riêng và người dân nói chung: phụ nữ hoàn toàn có thể học và làm được những điều vốn mặc định chỉ dành cho đàn ông”.

Hiện nay, có khoảng 150 thôn bản thuộc 10 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá chưa có lưới điện quốc gia. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Ninh, Trưởng Đại diện của GRET Việt Nam, nhờ có nguồn điện mặt trời, các thôn bản sẽ lên kế hoạch thành lập các nhóm đan lát, dệt may đồ thổ cẩm cho phụ nữ và đào tạo nghề hàn xì cho thanh niên để giúp người dân trong thôn có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống tốt hơn.

An Lê 

BẢN DESKTOP