Dữ liệu y khoa

Chân co rút, biến dạng vì thoái hóa khớp

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Thoái hóa khớp (THK) không chỉ gây đau, cứng khớp, tràn dịch ổ khớp, biến dạng khớp, dính khớp, teo cơ, thậm chí là tàn tật.

5 năm điều trị vẫn phải bò

Bà Nguyễn Thị H. (65 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng khớp gối 2 bên biến dạng bất thường, khớp gối trái phì đại, co rút gấp, khiến nhiều lúc bà phải bò, thậm chí còn không đi lại được. Nguyên nhân bà bị viêm đau khớp từ 20 năm trước và bệnh tiến triển tăng dần theo thời gian. 5 năm nay bà thường xuyên phải nhập viện điều trị, các cơn đau có thuyên giảm nhưng bệnh vẫn tiến triển.

 BSCKII Kiều Quốc Hiền, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E, đây là lần đầu tiên bác sĩ gặp một trường bệnh nhân THK nặng như vậy. Chân bệnh nhân co rút, gấp hơn 30 độ, đau nhức, teo cơ ở mặt trước đùi và dần đưa đến tình trạng mất hoàn toàn chức năng vận động. Tình trạng bệnh rất nặng, khó khăn trong phẫu thuật chỉnh trục chi và phục hồi chức năng nên nhiều bệnh viện “từ chối” không điều trị.

PGS.TS Trần Trung Dũng, giảng viên cơ xương khớp, ĐH Y Hà Nội cảnh báo, nhiều người chủ quan với THK khiến bệnh nặng, thành tàn phế. THK là hậu quả của mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và thoái giáng tổ chức sụn khớp, làm thay đổi hình thái, sinh hoá, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến hiện tượng sụn khớp bị nhuyễn hoá, nứt, loét và mỏng dần, xơ hoá xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn.

Bệnh tiến triển thầm lặng, không có biểu hiện gì cho đến một mức độ tổn thương nhất định của sụn khớp mới gây nên các triệu chứng trên lâm sàng như đau khớp, cứng khớp, tràn dịch ổ khớp, biến dạng khớp, dính khớp, teo cơ quanh khớp, gây khó khăn trong lao động, sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí là tàn tật. Các khớp hay bị thoái hoá là những khớp phải chịu sức nặng của cơ thể như khớp gối, khớp háng, khớp cột sống...

BSCKII Kiều Quốc Hiền cho biết thêm, THK gối có thể đau nhiều và tê buốt toàn bộ chân khiến người bệnh ngại đi lại, phải thay đổi dáng đi đứng để cảm thấy đỡ đau hơn. Dẫn đến lệch trục đầu gối, khiến chân người bệnh bị biến dạng theo kiểu vòng kiềng (chân chữ O) hoặc kiểu chân chữ X.

Bệnh nhân đi lại được sau 1 tuần phẫu thuật

Bệnh nhân đi lại được sau 1 tuần phẫu thuật

Điều chỉnh lối sống để tránh tàn phế

PGS.TS Trần Trung Dũng cho biết, nguyên nhân thực sự của bệnh THK  vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ cơ bản gây nên bệnh THK như di truyền, lão hoá , các yếu tố cơ học, dinh dưỡng, lối sống.

Yếu tố cơ học: Do chấn thương tích tụ lại nhiều lần, làm việc không hợp lý; tăng cân quá mức do béo phì, do nghề nghiệp đặc biệt là các chấn thương thể thao, lao động...

 Yếu tố dinh dưỡng, lối sống: Thừa cân, béo phì gây quá tải lên sụn khớp, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, thiếu chất khoáng (mg, kẽm), một số vitamin làm ảnh hưởng đến chất lượng của sụn khớp.

Các dị dạng bẩm sinh và rối loạn phát triển: Loạn sản sụn; trật khớp háng bẩm sinh, biến dạng kiểu chân chữ X, chữ O; gù vẹo cột sống gây ra do những rối loạn làm thay đổi đặc tính của sụn và làm hư hại bề mặt khớp...

Để phòng ngừa THK cần tránh cho khớp bị quá tải; điều trị kịp thời các chấn thương; ăn uống đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng nhất là các chất khoáng, các vitamin như rau quả tươi, giàu các chất chống oxy hoá; Phát hiện và sửa chữa các dị dạng bẩm sinh, tư thế xấu, lệch trục khớp...

Theo BSCKII Kiều Quốc Hiền, khi có biểu hiện đau khớp nên đi khám, điều trị kịp thời tránh để bệnh nặng phải thay khớp gối toàn phần hoặc bán phần rất phức tạp. Như trường hợp của bệnh nhân H. nguy cơ biến chứng và tỷ lệ thành công không cao. Thêm nữa, thể trạng bệnh nhân yếu, cân nặng chỉ gần 30kg. May mắn cùng với tay nghề, kinh nghiệm sau 2 giờ, các bác sĩ đã thay toàn bộ cả mặt khớp của lồi đùi cầu, mặt khớp mâm chày và mặt khớp bánh chè đùi bằng vật liệu nhân tạo, chỉnh lại trục của xương, chi, cân bằng phần mềm (hệ thống dây chằng, gân, cơ…) thành công cho bệnh nhân. Sau 1 tuần phẫu thuật bệnh nhân đi lại được”. 

Thúy Nga

BẢN DESKTOP