Y học và đời sống

“Châm” trán trị bệnh vùng đầu, mặt

Dựa theo phương pháp của diện châm, chỉ cần dùng vật  không nhọn đâm hoặc kích thích vào 3 huyệt cơ bản ở vùng trán có thể phòng và chữa trị các bệnh ở đầu mặt, phổi, họng…

Lương y Hoàng Duy Tân, Phó Chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai cho biết, y học cổ truyền dựa vào nguyên tắc Dĩ ngoại trị nội (lấy bên ngoài để trị bên trong), do đó, có thể  dùng huyệt ở mặt (ngoài) để trị các rối loạn, bệnh  chứng ở tạng phủ (bên trong).  Bởi mặt có thể chia thành những khu phản ứng, thể hiện tình hình bệnh của ngũ tạng lục phủ, các khớp chân tay. 12 kinh mạch, 365 lạc, khí huyết của chúng đều lên mặt mà thông ra khiếu.

Mặt cũng là nơi hội tụ của các đường kinh Dương: Dương minh Đại trường ở má, Thái dương Bàng quang ở mắt và chân mày trong, Thiếu dương Đởm ở chân mày ngoài… Các kinh dương lại có quan hệ biểu lý với kinh âm, vì vậy có thể nói các đường kinh đều đổ dồn lên mặt.

Khi cơ quan tạng phủ bệnh thì các kinh liên hệ bị rối loạn và có thể biểu hiện ra ở mặt. Do đó, điều chỉnh ở mặt chính là điều chỉnh các đường kinh, các tạng phủ có liên hệ để khu trừ bệnh tật, điều chỉnh các rối loạn bệnh lý. Theo sự hướng dẫn của lương y Hoàng Duy Tân có thể dùng 3 huyệt ở mặt sau đây.

Thủ diện (Đầu mặt): Vị trí: chính giữa vùng trán. Từ khoảng giữa 2 đầu lông mày (Ấn đường) vạch 1 đường thẳng đi lên giữa chân tóc phía trước, chia đoạn thẳng đó làm 3 phần bằng nhau. Huyệt ở giữa đoạn 1 và 2 (từ trên xuống). Nếu người trán hói, đoạn thẳng đó dài bằng 3 thốn (mỗi thốn khoảng 2,2cm). Huyệt này tương đương với huyệt Ngạch trung của thể châm. Tác dụng : Trị bệnh vùng đầu và mặt.

Yết hầu (Họng): Vị trí : Từ khoảng giữa 2 đầu lông mày (Ấn đường) vạch 1 đường thẳng đi lên giữa chân tóc phía trước, chia đoạn thẳng đó làm 3 phần bằng nhau. Huyệt ở giữa đoạn 2 và 3 ( từ trên xuống). Nếu người trán hói, đoạn thẳng đó dài bằng 3 thốn (đồng thân thốn). Tác dụng : Trị họng viêm,  ho, cảm…

Phế: Vị trí: Tại giao điểm của đường nối giữa 2 lông mày với đường thẳng giữa sống mũi lên. Tác dụng: Trị bệnh ở phổi, phế quản, ho, cảm. Lưu ý: Đây là huyệt chủ yếu thường được dùng trong gây tê. Tương đương huyệt  Ấn đường của thể châm.

Nhật Hà (ghi)

BẢN DESKTOP