Dữ liệu y khoa

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ non tháng

  • Tác giả : TS.BSCKII Nguyễn Thị Thu Hậu 
(khoahocdoisong.vn) - Chăm sóc trẻ sinh non chưa bao giờ là việc dễ dàng với các bậc phụ huynh vì ngoài việc chăm sóc, điều trị, phòng ngừa các biến chứng cho bé còn phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp bé ăn uống tốt, đạt được cân nặng theo tiêu chuẩn.

Trẻ sinh non chịu lạnh kém, đề kháng kém

Thông thường, trẻ sinh ra vào khoảng 40 tuần tuổi thai, đạt cân nặng trung bình 3 - 3,5kg và chiều dài 50 - 52cm. Trẻ sinh non được sinh ra trước 37 tuần thai kỳ, cân nặng và chiều cao thấp hơn, dự trữ các chất kém hơn.

Trẻ sinh non cần tăng cân nhanh để đuổi kịp các bé sinh đủ tháng, đồng thời bổ sung dự trữ tại mô nên nhu cầu các chất dinh dưỡng sẽ cao hơn trẻ đủ tháng. (Ảnh minh họa)

Trẻ sinh non cần tăng cân nhanh để đuổi kịp các bé sinh đủ tháng, đồng thời bổ sung dự trữ tại mô nên nhu cầu các chất dinh dưỡng sẽ cao hơn trẻ đủ tháng. (Ảnh minh họa)

Trẻ sinh non sẽ thiếu dự trữ các chất dinh dưỡng, trong đó nổi bật là glycogen, đạm, chất béo... nên dễ hạ đường huyết, chịu lạnh kém, đề kháng kém, dễ bị nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử. Trẻ sinh non cũng dễ bị khó tiêu, trào ngược dạ dày thực quản, suy hô hấp...

Trẻ sinh non cũng thiếu dự trữ sắt, canxi, kẽm, các khoáng chất và vitamin nên hay bị kích thích thần kinh, xương phát triển không tốt, hay bị bệnh lý xương do chuyển hóa…

Trẻ sinh non cần tăng cân nhanh để đuổi kịp các bé sinh đủ tháng, đồng thời bổ sung dự trữ tại mô nên nhu cầu các chất dinh dưỡng sẽ cao hơn trẻ đủ tháng, trẻ càng non nhu cầu càng cao, có thể tới 130 - 200% nhu cầu của một bé đủ tháng.

Nếu chăm sóc không đúng, trẻ sinh non dễ có những tổn thương vĩnh viễn không phục hồi được tại não, phổi, gan, thận, tiêu hóa… và có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây cao hơn khi trưởng thành.

Chế độ ăn đặc biệt cho trẻ sinh non

1.000 ngày đầu đời, bao gồm 40 tuần thai kỳ và 2 năm đầu tiên sau sinh đóng vai trò mã hóa, định hình sự phát triển của trẻ về sau.

Do đó, trẻ sinh non càng phải được đảm bảo tăng trưởng tương đương như trong tử cung trong giai đoạn trước 40 tuần và đuổi kịp các bé sinh đủ tháng trong vòng 1 - 2 năm đầu tiên, đảm bảo sự phát triển tốt về trí tuệ và miễn dịch, hạn chế các bệnh lý do sinh non và các rối loạn chuyển hóa, bệnh mạn tính khi trưởng thành.

Trẻ sinh non sinh ra trước 34 tuần tuổi thai có thể có phản xạ bú nuốt chưa tốt, nên cần có các biện pháp hỗ trợ trong thời gian đầu như nuôi tĩnh mạch, nuôi qua ống thông dạ dày, nuôi bằng ống bơm tiêm khi chưa tự bú tốt...

Năng lượng cần cho mỗi kg cân nặng của trẻ non tháng cao hơn trẻ đủ tháng, do đó sữa non tháng thường đặc hơn sữa đủ tháng. Tuy nhiên, trẻ sinh non có đường tiêu hóa chưa hoàn thiện, chậm tiêu hóa, hay ứ đọng, dễ trào ngược, nên số lượng bú phải phù hợp theo tuổi và tăng dần tùy theo khả năng dung nạp.

Có những trường hợp cần nuôi tĩnh mạch hay đặt ống thông nuôi ăn hỗ trợ. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ về số lượng, số lần, khoảng cách và cách cho bé ăn.

Phổi của trẻ sinh non còn yếu, chức năng thải carbonic kém, do đó chế độ ăn không được quá nhiều chất bột đường, mà phải cung cấp đủ béo và đạm.

Trẻ sinh non có lượng men tiêu hóa đường lactose trong sữa chưa đầy đủ, nên có thể đầy bụng, khó tiêu khi bú sữa bình thường. (Ảnh minh họa)

Trẻ sinh non có lượng men tiêu hóa đường lactose trong sữa chưa đầy đủ, nên có thể đầy bụng, khó tiêu khi bú sữa bình thường. (Ảnh minh họa)

Trẻ sinh non có lượng men tiêu hóa đường lactose trong sữa chưa đầy đủ, nên có thể đầy bụng, khó tiêu khi bú sữa bình thường. Trong các công thức sữa sinh non, một phần đường lactose sẽ được thay bằng maltose dextrin.

Chức năng tiết mật của trẻ sinh non còn kém, do đó hấp thu chất béo chuỗi dài (LCT) chưa tốt, nên sữa cho trẻ non tháng phải thay 1 phần LCT bằng chất béo chuỗi trung bình (MCT) là chất béo hấp thu không cần muối mật.

Chất béo trong sữa dành cho trẻ non tháng cũng đòi hỏi có đủ các acid béo thiết yếu như omega 3, omega 6, và có đủ DHA cũng như EPA, ARA, những chất này cần cho phát triển não, võng mạc, hệ miễn dịch, thành mạch máu...

Khả năng tổng hợp DHA, EPA, ARA của trẻ sinh non còn kém nên thường phải bổ sung trực tiếp. Trong sữa bò không có omega 3, DHA, EPA, ARA.

Men tiêu hóa đạm của trẻ sinh non ở tụy, ruột, và acid dạ dày chưa đầy đủ, trong khi nhu cầu về đạm lại cao hơn trẻ đủ tháng, vì vậy, đạm trong sữa cho trẻ non tháng cần chứa nhiều whey (đạm hòa tan, dễ hấp thu, giá trị sinh học cao), tốt nhất là đạm giàu whey của sữa mẹ.

Trong sữa mẹ cũng có nhiều kháng thể để giúp bé chống lại nhiễm trùng và viêm ruột hoại tử. Một số trường hợp cần nuôi bằng đạm thủy phân.

Canxi, photpho, magie, một số khoáng, vitamin D, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin E, vi chất như sắt, kẽm... trong sữa non tháng cũng cao hơn sữa cho trẻ đủ tháng do nhu cầu cần cho tăng trưởng của trẻ non tháng cao hơn. Trẻ sinh thiếu tháng có tuổi thai càng nhỏ thì càng dễ bị thiếu lượng các chất khoáng và vi lượng dự trữ.

Những khoáng chất và vitamin này trong sữa mẹ hoặc sữa đủ tháng cũng không đủ cho nhu cầu của trẻ non tháng nên cần được bổ sung thêm. Hàm lượng canxi, photpho trong sữa mẹ ở trẻ sinh non tháng ít, cho dù đủ sữa cho con bú thì lượng canxi hấp thụ cũng chỉ bằng 1/3 – 1/2 lượng tích lũy thời kỳ cuối của thai nhi nếu trẻ chưa được sinh ra.

Ngoài ra, dịch tiết axit ở dạ dày không đủ, vitamin D là vitamin tan trong chất béo được hấp thu quá thấp, hơn nữa với tốc độ tăng trưởng của trẻ sinh thiếu tháng nhanh hơn trẻ sinh đủ tháng thì dễ mắc bệnh còi xương do thiếu canxi.

Trẻ non tháng tùy theo số tuần tuổi thai khi sinh ra, giai đoạn và tốc độ tăng trưởng sau sinh, bệnh lý đi kèm… sẽ cần chế độ ăn, loại sữa, cách cho ăn khác nhau. Cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ và tái khám định kỳ cho con để bé được điều chỉnh chế độ kịp thời.

TS.BSCKII Nguyễn Thị Thu Hậu (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM)

TS.BSCKII Nguyễn Thị Thu Hậu 

BẢN DESKTOP