Làm đẹp

Chăm sóc da tránh mụn trứng cá ở tuổi dậy thì

  • Tác giả : TS.BS Phạm Đăng Bảng
Khi bước vào tuổi dậy thì, nếu không chăm sóc da tốt, nhiều người trẻ sẽ bị mụn trứng cá, da sần sùi... gây ảnh hưởng tới ngoại hình.

Ở tuổi dậy thì, cơ thể sẽ thay đổi rất nhiều, nhất là nội tiết tố và tâm lý. Những điều này tác động trực tiếp đến làn da, khiến da nổi mụn, lượng dầu nhờn xuất hiện nhiều hơn, da sần sùi, không mịn màng…

Theo thống kê, có hơn 80% thanh thiếu niên là “nạn nhân” của mụn ở nhiều cấp độ khác nhau. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn tác động trực tiếp đến tâm lý của trẻ, tạo cảm giác tự ti, ngại giao tiếp...

Chọn sản phẩm làm sạch, phù hợp từng làn da

Chỉ với các bước skincare dành cho da ở tuổi dậy thì đúng cách, có thể mang đến làn da khỏe đẹp, hồng hào. Tuy vậy, đầu tiên, cần chọn các loại mỹ phẩm làm sạch, chăm sóc da phù hợp.

Trước hết, cần xác định bạn thuộc kiểu da nào: da nhờn, da khô, da nhạy cảm hay da hỗn hợp…. Nếu không biết cách xác định, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu. Ưu tiên sử dụng các loại sản phẩm dành riêng cho từng làn da để nhận được kết quả tốt nhất.

Các loại sản phẩm cơ bản cần chuẩn bị để chăm sóc da gồm: tẩy trang, sữa rửa mặt, toner, kem dưỡng ẩm, kem chống nắng.

Tẩy trang: Tẩy trang rất cần thiết, mở đầu cho các bước skincare. Sản phẩm tẩy trang làm mềm các lớp bụi bẩn, vi khuẩn bám trên da, vừa có chức năng làm sạch đi dầu thừa cũng như các bụi bẩn, vi khuẩn sau khi đã được làm mềm. Nên sử dụng sản phẩm tẩy trang cùng với bông tẩy trang ít nhất mỗi ngày 1 lần vào buổi tối.

Dùng sữa rửa mặt: Sữa rửa mặt sẽ len lỏi vào sâu lỗ chân lông, cuốn trôi các tác nhân gây hại đến da, giúp da thông thoáng và ngăn ngừa tình trạng da đổ nhiều dầu.

Đối với làn da của các bạn tuổi teen, ưu tiên các dòng sản phẩm dịu nhẹ. Với bước này, không nên thực hiện quá 1 phút, bởi sẽ khiến da mất đi lớp ẩm tự nhiên, da trở nên khô ráp, sần sùi.

Sử dụng toner: Việc dùng toner sẽ làm tăng hiệu quả của kem dưỡng da ở bước tiếp theo.

Dùng kem dưỡng ẩm: Thông thường kem dưỡng ẩm sẽ chứa các dưỡng chất tốt cho da, đồng thời duy trì tốt độ ẩm tự nhiên, giúp da luôn căng bóng, khỏe khoắn.

Dùng kem chống nắng: Theo các chuyên gia, trên 10 tuổi, bạn đã có thể dùng kem chống nắng. Ở tuổi dậy thì, càng nên dùng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường, đặc biệt là ánh nắng. Da ở độ tuổi này rất nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng. Do đó, kem chống nắng sẽ là lớp bảo vệ rất tốt cho da.

Cần thực hiện các bước trên 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối. Riêng kem chống nắng bôi sáng sớm và bôi lại vào đầu giờ chiều.

Trị mụn cần kiên trì, tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ. Ảnh: BSCC Trị mụn cần kiên trì, tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ. Ảnh: BSCC

“Đánh bay” mụn trứng cá

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra mụn trứng cá ở trẻ như: thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, sự gia tăng của các hormone giới tính, cách vệ sinh, chăm sóc da, chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu cân bằng… Việc tìm ra nguyên nhân sẽ có phương pháp và liệu trình điều trị hợp lý.

Để việc trị mụn đạt hiệu quả tối ưu phải dựa trên mức độ nặng của bệnh, thể mụn, tuổi và giới tính để có phác đồ phù hợp. Vì vậy, cách điều trị đúng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ. Việc điều trị cần phải kiên trì nếu vội vàng sử dụng nhiều liệu pháp hay quá nhiều sản phẩm khác nhau có thể da sẽ bị kích ứng, sinh mụn mới.

Điều trị mụn gồm 2 giai đoạn: tấn công và duy trì. Nhiều bạn nghĩ rằng mụn đã khỏi rồi thì không cần điều trị nữa. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát mụn trứng cá ở nhóm nguy cơ theo nghiên cứu sau 1, 2, 3 năm ngừng điều trị lần lượt là: 14%, 40% và 49%. Với môi trường ô nhiễm và điều kiện khí hậu nóng ẩm thì nguy cơ tái phát sẽ tăng lên. Vì thế sau giai đoạn điều trị tấn công giúp giảm mụn và giảm biến chứng, cần tiếp tục dùng thuốc điều trị duy trì để tránh tái phát mụn.

Kết hợp điều trị dự phòng biến chứng của mụn như sẹo lõm, sẹo lồi và tăng sắc tố sau viêm. Một trong những biện pháp dự phòng sự tăng sắc tố hay thâm mụn đó là bôi kem chống nắng.

Đặc biệt khi điều trị mụn cần loại bỏ các thói quen xấu: Lười chăm sóc da, hay sờ tay lên mặt, tự ý cạy nặn mụn không đúng cách, thức khuya,... khiến mụn trở nên trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, sữa bò... cũng góp phần kiểm soát tình trạng mụn.

Điều trị mụn là một quá trình không hề đơn giản, mất nhiều thời gian vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trung bình phải mất khoảng 8-12 tuần điều trị bài bản và nghiêm túc mới có thể đánh giá được hiệu quả và nhận thấy sự cải thiện trên bề mặt da.

Trường hợp tình trạng mụn trầm trọng, hãy đi khám chuyên khoa da liễu để có được phương án điều trị thích hợp nhất.

TS.BS Phạm Đăng Bảng (Giám đốc chuyên môn tại TT CliNIC)

TS.BS Phạm Đăng Bảng

BẢN DESKTOP