Doanh nghiệp

CEO Bibo Mart: Công nghệ là nền móng phát triển nhưng nhiều doanh nghiệp Việt chỉ làm kiểu “cơi nới”

Bà Trịnh Lan Phương cũng tiết lộ một trong những bí quyết thành công của Bibo Mart là luôn chú trọng phát triển công nghệ bên cạnh các chiến lược về tài chính, kinh doanh.

Thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực là yếu tố khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp trở ngại trong quá trình đầu tư vào công nghệ. Tuy nhiên ngay cả với những doanh nghiệp lớn, có chỗ đứng trên thị trường thì việc đầu tư cũng vẫn thiếu đồng bộ.

Chia sẻ tại một cuộc họp báo gần đây, bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Bibo Martnhận định đa phần các doanh nghiệp Việt Nam chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của công nghệ trong sự phát triển của mình. Hầu hết chỉ coi công nghệ là công cụ, phương tiện chứ không phải là nền móng, là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư ngay từ ban đầu.

“Khi xây dựng tầm nhìn, mục tiêu phát triển chúng ta dồn trọng tâm vào những chiến lược khác: con người, tài chính, kinh doanh, thương hiệu…. mà không dành nhiều quan tâm đầu tư vào công nghệ. Chúng ta thường làm đến đâu đầu tư đến đó. Công nghệ đi theo kinh doanh nên chúng ta cứ mãi vật vã, vừa làm vừa cơi nới”.

“Vì đầu tư không có chiến lược nên không đồng bộ, tốn kém, mất nhiều thời gian. Và đến khi quy mô đủ lớn thì chúng ta mới vỡ ra rằng lẽ ra chúng ta phải làm khác. Đáng lý ra tất cả lĩnh vực, trong đó có công nghệ, phải được đồng bộ với nhau ngay từ ban đầu”.

Trên thực tế, theo Luật khoa học công nghệ 2013 các doanh nghiệp Việt phải dành tối thiểu 3%, tối đa 10% lợi nhuận để đầu tư cho khoa học công nghệ. Tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp ở dạng vừa và nhỏ, lợi nhuận ít trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng không dễ, nên phần đầu tư cho công nghệ không có, hoặc có cũng chỉ ở mức “khiêm tốn”.

Số liệu gần đây cũng chỉ ra 38% máy móc, thiết bị sử dụng ở khu vực doanh nghiệp tư nhân có công nghệ trung bình; hơn một nửa là lạc hậu đến rất lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ hai đến ba thế hệ. Khảo sát tại TP.HCM cho thấy trong 700 doanh nghiệp hoạt động ở 12 khu công nghiệp, khu chế xuất, hiện mới có 1/4 số doanh nghiệp có công nghệ đạt khá trở lên còn hơn một nửa là lạc hậu.

Quay trở lại câu chuyện của Bibo Mart, bà Lan Phương cho biết Bibo Mart xuất phát là doanh nghiệp startup, nên ban đầu phát triển công nghệ theo hướng vừa làm vừa “cơi nới” dần. Đây cũng là phương pháp điển hình các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng. Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài khi vào Việt Nam thì phần lớn hệ thống quản trị, vận chuyển, đào tạo nhân viên, chuyển giao công nghệ…đã được phát triển hoàn thiện, và kết quả là họ có lợi thế cạnh tranh rõ rệt.

“Tôi nghĩ công nghệ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp, công nghệ phải đi trước. Công nghệ như đường cao tốc; chúng ta muốn chạy tốc độ cao trên đó, có nhiều phương tiện lưu thông trên đó thì phải chuẩn bị cho mình nền tảng công nghệ sẵn sàng”.

“Xây biệt thự cần kiến trúc sư. Xây khách sạn thuê công ty kiến trúc. Xây dựng công nghệ cũng như xây thành phố, cần chiến lược và đường đi bài bản để tránh phải trả phí cho mỗi lần cơi nới”.

Từ nhận định này, người đứng đầu Bibo Mart tiết lộ công ty đã đầu tư hàng triệu USD cho công nghệ và triển khai hệ thống ERP, warehouse, online, CRM,… Ở Bibo Mart, có một đội ngũ chuyên gia công nghệ đến từ Silicon Valley (Mỹ), những người đã giúp Taobao, amazon, Walmart, Carter… xây dựng nền tảng kiến trúc công nghệ đồng bộ và giờ sẽ giúp Bibo Mart “mở rộng đường cao tốc hơn nữa”.

Còn với các startup non trẻ, tiềm lực tài chính chưa mạnh, bà Lan Phương khuyên một trong những việc cần làm đầu tiên là đánh giá đúng tầm quan trọng của công nghệ, xây dựng chiến lược phát triển công nghệ trong dài hạn.

“Nếu có thể, hãy tìm chuyên gia tốt nhất để có kiến trúc và cách triển khai bài bản, đúng hướng ngay từ ban đầu, không mất nhiều thời gian cũng như tiền bạc trong việc quay đi làm lại”.

Theo Trí thức trẻ

BẢN DESKTOP