Trong số 109 trẻ, 90% phải nhập viện và 14% cần ghép gan. Đa số các bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện.
Hơn một nửa số các trẻ bị viêm gan đã được xác nhận là bị nhiễm Adenovirus, nhưng CDC cho biết họ chưa biết liệu Adenovirus có phải là nguyên nhân thực sự hay không.
Adenovirus là một loại virus phổ biến, thường gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh hoặc cúm nhẹ, hoặc các vấn đề về dạ dày và ruột. Nó không phải là nguyên nhân gây bệnh viêm gan nặng ở trẻ khỏe mạnh, dù có liên quan đến các vấn đề sức khỏe ở trẻ có hệ miễn dịch kém.
Bác sĩ Jay Butler, PGĐ về bệnh truyền nhiễm của CDC, cho biết CDC cũng chưa biết các yếu tố khác, như tiếp xúc với môi trường, thuốc hoặc các bệnh nhiễm trùng khác có thể có vai trò như thế nào. Tuy nhiên, tiêm vắc xin COVID-19 không phải là nguyên nhân gây bệnh.
Một số trẻ bị viêm gan chỉ mới 2 tuổi, nhóm tuổi chưa được tiêm vắc xin COVID-19 ở Mỹ. Dù vậy, CDC vẫn điều tra liệu tình trạng viêm gan chưa rõ nguyên nhân này có bất cứ sự liên hệ nào với virus gây bệnh COVID-19 hay không.
Hướng nghiên cứu này cũng không chắc chắn vì có 9 trường hợp trẻ bị viêm gan nặng ở bang Alabama không bị nhiễm COVID-19.
Theo CDC, nhìn chung, Mỹ không ghi nhận sự gia tăng các trường hợp nhiễm Adenovirus, nhưng nước này cũng không có hệ thống giám sát toàn quốc tốt với virus này. CDC sẽ tìm cách cải thiện việc giám sát, bác sĩ Butler cho biết.
CDC cũng không ghi nhận sự gia tăng đáng kể các trường hợp viêm gan và thay gan ở trẻ em. Tuy nhiên, Anh, quốc gia đầu tiên cảnh báo với thế giới về tình trạng viêm gan bí ẩn ở trẻ em, thấy có sự gia tăng đáng kể các trường hợp này.