Bình luận

Cây xăng “cúi chào” phá vỡ thế độc quyền

ThS Bùi Ngọc Sơn cho rằng, việc một doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu giúp người tiêu dùng được quyền lựa chọn dịch vụ tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, đáng tin hơn, cho dù giá có thể không rẻ hơn.

ThS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính trị thế giới

Quyền lựa chọn của người dùng

Tập đoàn xăng dầu hàng đầu Nhật Bản là Idemitsu Q8 đã chính thức khai trương cửa hàng xăng dầu đầu tiên tại Hà Nội, hứa hẹn tạo ra một sự thay đổi lớn trong ngành bán lẻ này ở Việt Nam. Phải chăng, thị trường xăng dầu đang dần bị phá vỡ thế độc quyền?

Đây là thông tin rất đáng mừng cả ở góc độ người tiêu dùng và ở góc độ quản lý vĩ mô. Khi đã có sự cạnh tranh thì chắc chắn chất lượng phục vụ và giá thành sẽ phải khác.

Người tiêu dùng sẽ không có tâm lý bắt buộc phải mua, dù đắt dù rẻ, dù dịch vụ có kém đến thế nào, mà họ được quyền lựa chọn sản phẩm nào tốt hơn, dịch vụ nào làm hài lòng hơn.

Bị phá vỡ thế độc quyền, liệu đó có phải là mối nguy cho ngành xăng dầu trong nước?

Tới đây không chỉ riêng xăng dầu đâu mà điện, nước, thậm chí thực phẩm, rau củ quả… sẽ có sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Khi chúng ta tham gia các hiệp định đối tác thương mại thì cam kết phải mở cửa với các mặt hàng. Muốn hội nhập thì buộc phải làm thế.

Khi đã tham gia vào hội nhập thì doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh. Đặc biệt đối với mặt hàng như xăng dầu hiện nay mang tính độc quyền rất cao.

Trước đây chỉ có Nhà nước làm, sau đó tách ra các tập đoàn trong đó có các công ty tham gia vào, nhưng về bản chất các công ty ấy vẫn thuộc tập đoàn.

Độc quyền nên mới dẫn đến những hệ lụy như chúng ta vẫn nói?

Đúng thế, giá tự quyết, chất lượng tự quyết, phục vụ thế nào cũng bán được hàng, như thế sẽ rất thiệt cho người tiêu dùng. Giờ Nhật Bản vào mở cây xăng tại Việt Nam sẽ tốt hơn nhiều, hạn chế nhiều những điều đó.

Người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn?

Đúng là như thế. Tới đây tôi nghĩ không riêng gì Nhật Bản mà có thể có những doanh nghiệp khác cũng tham gia vào thị trường này.

Trước đây cũng có một số hãng tham gia vào thị trường này, nhưng do lợi nhuận thấp nên họ rút lui. Đến giờ, khi thu nhập của người dân tăng lên, số xe ô tô nhiều hơn, đường xá tốt hơn, thì đây lại là một thị trường béo bở.

Trạm xăng đầu tiên của Idemitsu Q8 nằm bên trong Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, là nơi có nhiều cơ sở của các công ty Nhật Bản đầu tư tại đây. Khác với các trạm xăng ở Việt Nam, hệ thống của Idemitsu Q8 sẽ áp dụng phần mềm quản lý tự động cho phép thanh toán bằng thẻ. Đặc biệt, Idemitsu Q8 sẽ quản lý được khối lượng nhiên liệu với độ chính xác lên đến 0,01 lít. Idemitsu Q8 được Chính phủ cấp giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, bán buôn sản phẩm dầu khí tại thị trường Việt Nam, chủ yếu thông qua việc xây dựng và quản lý các trạm dịch vụ trên toàn quốc. Sau trạm xăng đầu tiên tại Hà Nội, Idemitsu Q8 đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới tại các tỉnh thành trên cả nước.

Thái độ phục vụ quan trọng hơn giá

Có người cho rằng là đừng kỳ vọng gì nhiều vào việc có thể mua được xăng giá rẻ từ doanh nghiệp nước ngoài, ông nghĩ sao?

Ở góc độ một người tiêu dùng, tôi cũng không quá kỳ vọng vào điều này. Nhưng vào mua xăng, nhân viên đon đả lễ phép cúi chào, rồi chạy ra lau xe cho mình, phục vụ mình rất tận tình, thì đương nhiên tôi sẽ chọn vào cây xăng ấy.

Dại gì mà vào cây xăng phải xếp hàng dài thõng thượt, nhân viên bán xăng hất hàm hỏi “bao nhiêu”, thậm chí là quát nạt khách.

Có lẽ trước khi vào thị trường Việt Nam họ cũng đã nghiên cứu kỹ?

Tôi cho rằng họ phải nghiên cứu rất kỹ và nắm được “vấn đề” trong thị trường này. Người tiêu dùng Việt Nam rất lo ngại vào phải cây xăng đo sai, gian lận xăng để “móc túi” khách, thị họ cam kết đồng hồ đo chính xác đến 0,01.

Rồi những vụ việc xăng dởm trộn hóa chất được tuồn ra tiêu thụ cũng khiến dư luận hoang mang. Một doanh nghiệp cam kết chất lượng, có dịch vụ tốt, thì dù giá không rẻ hơn, họ cũng có thể cạnh tranh được.

Và tâm lý của người Việt thì cũng thường cho rằng người Nhật không “ăn gian”?

Đúng là thế, chỉ riêng tâm lý tiêu dùng đó thôi cũng có thể khiến doanh nghiệp cạnh tranh được rồi. Tính văn minh trong phục vụ, chất lượng phục vụ sẽ quyết định điều ấy, không thể coi thường điều ấy trong kinh doanh được.

Một sản phẩm dù có chất lượng cực tốt nhưng bao bì mẫu mã xấu, không phù hợp với sở thích, thì người ta cũng không muốn mua.

Thế mà họ lại còn bán giá rẻ hơn thì chắc là thị trường sẽ có sự xáo trộn?

Đương nhiên rồi, tôi cho rằng người Nhật họ rất thông minh và khôn khéo để đi vào đúng điểm yếu của thị trường trong nước và lấp điểm yếu ấy.

Hôm qua người ta phát hiện một cửa hàng bán ra thị trường xăng có pha trộn tạp chất. Càng những vụ việc như thế người ta lại càng mất niềm tin. Rồi tình trạng cây xăng ăn gian khá phổ biến.

Giả sử doanh nghiệp Nhật Bản đặt các cây xăng cạnh cây xăng trong nước thì liệu đó có phải là cạnh tranh lành mạnh?

Khoảng cách giữa các cây xăng đã được quy định, và nhà đầu tư xâm nhập thị trường sau sẽ gặp nhiều bất lợi, không dễ cạnh tranh sòng phẳng.

Ví dụ, giữa hai cây xăng của Petrolimex và Mipecorp thì Idemitsu muốn đặt cây xăng phải bảo đảm khoảng cách. Khoảng cách không cho phép thì không thể xây dựng thêm một cây xăng nằm giữa hai cây xăng kia. Cạnh tranh trên thị trường xăng dầu rất ít, dư địa cạnh tranh rất hẹp.

Doanh nghiệp buộc phải thay đổi

Theo ông, ngoài xăng dầu thì những mặt hàng nào đang ở thế độc quyền cần phải được mở cửa để có sự cạnh tranh?

Có rất nhiều, như điện, nước, thậm chí là rau củ quả, không cần phải độc quyền, nếu có doanh nghiệp nước ngoài vào cung cấp sản phẩm tốt hơn, dịch vụ tốt hơn, thì chắc chắn thị trường trong nước cũng phải xoay chuyển.

Ví dụ như có một nhà cung cấp thịt lợn sạch, đảm bảo không có kháng sinh, thuốc tăng trưởng… thì chắc chắn mấy bà bán thịt lẻ ngoài chợ sẽ thất nghiệp. Hay điện, nước cũng thế. Nhà nước không bao cấp, để doanh nghiệp tự vận động và cạnh tranh thì chắc chắn sẽ tạo ra những biến chuyển.

Với cách phục vụ của doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty xăng dầu trong nước sẽ phải thay đổi?

Khi cạnh tranh thì họ buộc phải thay đổi, nếu không thì chết. Giống như trước khi có uber, grab, các doanh nghiệp taxi tha hồ tung hoành, giá cước “trên trời” cũng không ai phản đối. Đến giờ thì họ buộc phải giảm cước để cạnh tranh. Ở đây thị trường bán lẻ xăng cũng thế thôi.

Trước khi Idemitsu Q8 mở trạm xăng, thị trường kinh doanh xăng dầu chỉ dành cho 29 đầu mối nội địa, thị phần chủ yếu nằm trong tay các ông lớn như Petrolimex, PVOil, Saigon Petro… Idemitsu Q8 từng bước tham gia vào thị trường này thông qua sở hữu 35% vốn tại dự án Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) và có quyền được phân phối bán lẻ. Một công ty Nhật Bản khác là JX Nippon Oil & Energy cũng đã mua 8% cổ phần từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Liệu chúng ta có để rơi thị trường xăng dầu vào tay doanh nghiệp nước ngoài?

Nếu doanh nghiệp trong nước không thay đổi thì những cây xăng phục vụ chuyên nghiệp như thế  này sẽ hút hết khách hàng. Tuy vậy, xăng dầu là loại hàng hóa đặc biệt cần có sự kiểm soát của Nhà nước.

Việc mở cửa cho doanh nghiệp cạnh tranh là cần thiết song phải có chính sách để Nhà nước vẫn giữ vai trò điều phối chung, không để thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài.

Xin cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP