Khoa học & Công nghệ

Cấy tóc sinh học dễ tăng sừng hóa, viêm da đầu

Hiện nay nhiều nơi quảng cáo phương pháp cấy tóc không cần phẫu thuật với việc sử dụng sợi tóc sinh học để cấy vào da đầu không có tóc. Tuy nhiên phương pháp này không thể giữ được lâu dài, thậm chí còn mang nhiều nguy cơ đào thải…

Tỉ lệ đào thải cao

Theo các quảng cáo, những người bị rụng tóc, hói đầu có thể sử dụng phương pháp này nhằm giúp có lại mái tóc đẹp tự nhiên với mật độ tối đa. Sợi tóc sinh học được dùng cấy có 3 lớp như tóc tự thân, có các nút thắt ở gốc tóc để cấy vào vùng da đầu không có tóc, tóc bị rụng, vết sẹo… nhằm phục hồi tóc một cách tự nhiên nhất sau khi cấy.

Tuy nhiên, BS Lương Trường Sơn, chuyên gia ngành da liễu tại TP.HCM, phụ trách phòng khám da liễu Đồng Diều cho hay, phương pháp cấy tóc dạng này đã được áp dụng từ rất lâu nhưng chưa được người dùng ủng hộ nhiều. Nguyên nhân là trong quá trình làm vẫn còn nhiều nguy cơ có thể khiến người cấy tóc bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhất là trước đây công nghệ vẫn chưa cao nên việc cấy tóc càng mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Cũng theo vị chuyên gia này, tóc rụng có bốn nhóm là rụng tóc tự nhiên, rụng tóc do di truyền và rụng tóc do bệnh lý và rụng tóc do thuốc. Rụng tóc tự nhiên ít được quan tâm hơn, còn rụng tóc bệnh lý thì muốn ngăn cũng rất khó, thậm chí phải chữa khỏi dứt điểm các bệnh liên quan mới có thể cấy tóc. Còn rụng tóc do thuốc phải dừng thuốc điều trị. Vì thế, phương pháp cấy tóc thường chỉ áp dụng cho rụng di truyền.

“Dù áp dụng cho nhóm rụng tóc nào, nhưng cấy tóc cũng như xăm, việc đưa tác nhân bên ngoài vào cơ thể sẽ có nhiều nguy cơ và chắc chắn sẽ rụng dần theo cơ học”, BS Lương Trường Sơn nói.

Nguy cơ đào thải cao

Theo đó về nguyên lý, khi đưa dị nguyên vào cơ thể, nhất là dị nguyên không phải có nguồn gốc tự nhiên mà là dạng tổng hợp thì rất dễ dẫn đến tình trạng dị ứng. Với cấy tóc, cần đưa vào biểu mô thì nguy cơ có thể đào thải sẽ cao.

Tóc bị đào thải hay còn gọi là không chấp nhận, là hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng với dị nguyên tóc mới cấy nhằm đẩy ra bằng cách xuất hiện phản ứng viêm tại chỗ hoặc tăng sừng tại chân tóc được cấy. Lúc này, chỗ cấy tóc có thể bị viêm hoặc dày sừng chân tóc…

“Nếu quá trình đào thải diễn ra thì nguy cơ có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng, lây nhiễm các bệnh khác. Do vậy, cấy tóc có từ lâu nhưng không được ủng hộ là do tỉ lệ đào thải lớn”, BS Lương Trường Sơn nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, nếu cấy tóc thành công thì việc giữ tóc và kéo dài thời gian cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi, tóc không sinh ra trong khi các yếu tố cơ học như gội rửa, níu kéo, khô cứng, hủy hoại bởi hóa chất… sẽ khiến các sợi tóc chết và rụng dần.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo người bị hói đầu, rụng tóc, ít tóc… cần cân nhắc khi áp dụng phương pháp này. Thậm chí, trong nhiều trường hợp có thể áp dụng việc cạo tóc nhằm người ngoài nhìn thấy mình không phải bị hói hay thưa tóc. Hay, hiện nay tóc giả cũng có nhiều kiểu dáng, áp dụng cho cả nam lẫn nữ, sạch sẽ, vệ sinh, giống tự nhiên nên khi cần có thể đội lên thay tóc thật.

“Một đặc điểm người muốn cấy tóc cần cân nhắc là do khí hậu nóng ẩm, môi trường ô nhiễm, đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm nên khi cấy tóc có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn, ngứa đầu”. BS Lương Trường Sơn.  

Hiền Dung

BẢN DESKTOP