Dữ liệu y khoa

Cấy chỉ  trên loa tai: Công nghệ vi cấy ghép của Việt Nam

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Sử dụng chỉ khâu phẫu thuật vi cấy ghép trên loa tai là một phát hiện của Việt Nam, độc lập với công nghệ vi cấy ghép bằng kim titan và kim sinh học trên thế giới.

Công nghệ mang bản sắc Việt

Đại tá, TTƯT. BS Quách Tuấn Vinh, nguyên Chủ nhiệm Quân y Tổng cục Chính trị, bác sĩ Phòng bảo vệ chăm sóc sức khỏe T.Ư 1 cho biết, cấy chỉ vào huyệt đạo có thể được coi là một cuộc cách mạng, một bước tiến trong châm cứu, được ứng dụng nhằm nâng cao sức khỏe, điều trị, dự phòng và phục hồi chức năng... Phương pháp này đã được giới thiệu tại Hội thảo Y học bản địa các nước lưu vực sông Mê Kông, được đông đảo bạn bè quốc tế quan tâm và đánh giá cao, góp phần khẳng định vị thế của châm cứu Việt Nam trên trường quốc tế.

TTƯT.BS Quách Tuấn Vinh thực hiện cấy chỉ loa tai cho bệnh nhân

TTƯT.BS Quách Tuấn Vinh thực hiện cấy chỉ loa tai cho bệnh nhân

Chúng ta đã biết tới nhĩ châm – châm cứu trên loa tai - truyền thống là dùng kim châm kích thích vào huyệt vị trong một khoảng thời gian nhất định. Một số phương pháp tân châm như tiêm thuốc vào huyệt, lưu kim trên tai có thể gây viêm sụn vành tai. Khác với các hình thức trên, sử dụng chỉ khâu phẫu thuật cấy ghép vào huyệt vị có tác dụng tồn lưu lâu dài trên huyệt, tạo ra một kích thích mạnh vào huyệt đạo, nên hiệu quả điều trị cao hơn so với các phương pháp trên.

Đặc biệt, phương pháp này là công nghệ có tính khoa học, dân tộc và đại chúng, có ưu điểm dễ thực hiện, có thể áp dụng ở các cơ sở y tế có chuyên khoa Đông y, mở rộng phạm vi điều trị so với nhĩ châm truyền thống. Hơn nữa, người bệnh ít phải đi lại do 15 – 20 ngày mới phải đến điều trị một lần nên tiết kiệm được thời gian, tiền bạc.

Thăm khám bệnh cho bệnh nhân

Thăm khám bệnh cho bệnh nhân 

Cổng vào của não bộ và toàn bộ cơ thể

Theo TTƯT. BS Quách Tuấn Vinh nhĩ châm là phương pháp trị liệu có từ thời cổ đại để chữa một số bệnh có nguy cơ đột tử. Song, người sáng lập ra phương pháp nhĩ châm hiện đại lại là giáo sư vật lý học Trường ĐH Lyon (Pháp) – nhà châm cứu học Paul Nogier. Ông là người đã nghiên cứu và đưa ra bản đồ định khu trên loa tai và bản đồ nội tạng định khu trên loa tai. Ông cho rằng hình thể của tai trông giống như hình bào thai lộn ngược và khám ra tai là một bản sao của toàn bộ cơ thể, não bộ và hệ thống thần kinh. Mỗi một bộ phận trong cơ thể đều có một điểm tương ứng trên tai. Nhiều bệnh đều có thể điều trị bằng nhĩ châm. 

Sau phát hiện của Nogier, nhiều nước trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý, Hy Lạp và Mỹ... cũng đi sâu nghiên cứu, ứng dụng về loa tai. Người ta nhận thấy rằng, sự suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể và sự đau đớn biểu thị rõ nét trên tai ở các khu vực khác nhau, phụ thuộc vào các giai đoạn bệnh lý. Hơn nữa, trên tai không chỉ có 78 huyệt vị.

Nhĩ châm gây ra một hiệu ứng trong vùng não cụ thể tương ứng với các bộ phận cơ thể trên loa tai. Tác động vào huyệt loa tai kích thích cơ thể sản sinh endorphins là morphin nội sinh  có tác dụng giảm đau gấp 200 lần morphin, ngăn chặn các thụ thể đau và nâng cao mức adenosine, một chất nội sinh có tác dụng giảm đau chống viêm, do vậy làm thay đổi các cơ quan tương ứng, điều chỉnh quá trình sinh lý – bệnh lý.

Nhiều nước đã coi nhĩ châm là một biện pháp điều trị chính thống. Tổ chức Y tế thế giới đã liệt kê 150 loại bệnh có thể áp dụng nhĩ châm. 

Phương pháp cấy chỉ trên loa tai mang bản sắc Việt đã được ứng dụng trong điều trị, phục hồi chức năng trên gần 300 bệnh lý: Thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, đau vai gáy, nhức đầu, thiểu năng tuần hoàn não, thoát vị đĩa đệm, viêm đại tràng mạn tính… Ngoài ra, có thể áp dụng cấy chỉ để điều trị – phục hồi chức năng nhiều bệnh lý trong một lần điều trị. Ở người cao tuổi, người bệnh có thể cùng lúc mắc nhiều căn bệnh khác nhau như đau lưng, đau vai gáy do thoái hóa – thoát vị đĩa đệm trên bệnh nhân đái tháo đường, mỡ máu cao, mãn kinh, thiếu máu não, đau thắt ngực…đều có thể điều trị trong một lần...

Tư vấn cho bệnh nhân.

Tư vấn cho bệnh nhân.

TTƯT. BS Quách Tuấn Vinh cho biết, cấy chỉ trên loa tai giảm đau và chữa nhiều bệnh cùng lúc. Tuy nhiên không đơn giản là cứ châm theo sơ đồ huyệt vị. Do những đặc điểm về thần kinh, thể dịch, nội tiết của mỗi người khác nhau nên người thầy giỏi là cần tìm hiểu, xác định để chọn huyệt, chọn phương pháp châm sao cho thích hợp với từng người. Có thể kết hợp cùng lúc việc nhĩ châm hay các phương pháp tác động trên loa tai với các phương pháp châm cứu nhằm mục đích nâng cao hiệu quả điều trị...

Cũng như nhĩ châm, phương pháp này cũng chống chỉ định với các trường hợp bệnh ngoại khoa chưa được chẩn đoán rõ ràng: viêm ruột thừa cấp, thủng tạng rỗng...; Phụ nữ có thai không nên châm các khu vực như khuyết gian bình, dưới vỏ... Người cao tuổi, thể trạng yếu cũng cần chú ý thận trọng khi nhĩ châm; Tuyệt đối không nhĩ châm cho các trường hợp ăn quá no, say rượu, đói, lao động thể lực, phụ nữ đang hành kinh, suy kiệt, thiếu máu nặng, đói lâu ngày, mới động phòng... 

Sau khi cấy chỉ, người bệnh cần ngồi nghỉ tại phòng khám 10 – 15 phút và không lao động thể lực quá sức. Có thể tắm rửa 4 – 6h sau khi điều trị. Không nên ăn các loại thức ăn tanh như tôm, cua, cá, mực và đồ ăn nếp (xôi nếp, bánh chưng…).

Cấy chỉ trên loa tai đã tạo ra một cuộc cách mạng trong châm cứu, là một cách tác động đặc biệt trên loa tai khác với các phương pháp tác động trên huyệt loa tai trước đây, có nhiều ưu điểm như tạo ra hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí điều trị, không phải lưu bệnh nhân tại bệnh viện, mở rộng được phạm vị điều trị...

Cấy chỉ trên loa tai đã được giới thiệu tại Hội thảo Y học Bản địa các nước lưu vực Sông Mê Kông tổ chức tại Thái Lan năm 2012 được đông đảo bạn bè quốc tế quan tâm và đánh giá cao góp phần khẳng định vị thế của châm cứu Việt Nam trên trường quốc tế và Bản sắc Việt của châm cứu Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Công Khẩn (Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế) 

Thúy Nga

BẢN DESKTOP