Sau phẫu thuật vẫn ảnh hưởng tiêu cực về thể chất và tâm lý
Ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt nhờ các phương pháp điều trị hiệu quả, nhưng bệnh nhân vẫn đối mặt với các tác động tiêu cực về thể chất và tâm lý, chẳng hạn như mệt mỏi, lo âu, trầm cảm và đau đớn.
Ngoài việc điều trị hiệu quả, việc cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư tuyến giáp đang trở thành một trọng tâm quan trọng trong quản lý bệnh.
Để đánh giá việc cải thiện chất lượng cuộc sống ung thư tuyến giáp trước và sau điều trị, các nhà khoa học Hàn Quốc đã thực hiện nghiên cứu: 185 bệnh nhân ung thư tuyến giáp (97% là ung thư thể nhú) tại Hàn Quốc (2013–2017). Đa số bệnh nhân là nữ (81%), với độ tuổi trung bình là 49.
Phẫu thuật bao gồm: 57% cắt toàn bộ tuyến giáp, 43% cắt thùy; 84% nạo hạch cổ trung tâm, 12% nạo hạch bên.
Để đánh giá việc cải thiện chất lượng cuộc sống ung thư tuyến giáp, các nhà khoa học đã đưa ra hai bộ câu hỏi được sử dụng để đánh giá thể chất, tâm lý, xã hội, và tinh thần tại 7 thời điểm (1 ngày trước phẫu thuật và 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm, 3 năm, và 5 năm sau phẫu thuật).
Kết quả đánh giá việc cải thiện chất lượng cuộc sống ung thư tuyến giáp cho thấy: giảm đáng kể ngay sau phẫu thuật nhưng dần cải thiện vượt mức trước phẫu thuật sau 5 năm.
Tư vấn cho bệnh nhân u tuyến giáp - Ảnh BSCC |
Ảnh hưởng cụ thể
Cắt toàn bộ tuyến giáp và phẫu thuật thông thường liên quan đến giảm chất lượng cuộc sống thể chất nhiều hơn so với cắt thùy và phẫu thuật tiếp cận từ xa.
Bệnh nhân phẫu thuật tiếp cận từ xa hài lòng hơn về ngoại hình.
Liệu pháp i-ốt phóng xạ (RAI) gây giảm vị giác và tăng các vấn đề về giấc ngủ, tâm lý ở 3 tháng sau phẫu thuật, đặc biệt với bệnh nhân ngừng hormone tuyến giáp thay vì dùng tái tổ hợp TSH.
Các biến chứng sau phẫu thuật như hạ canxi máu tạm thời hoặc vĩnh viễn làm giảm chất lượng thể chất trong 3 năm đầu.
Lo âu và thay đổi tâm trạng là mối quan tâm lớn nhất, kéo dài từ trước đến sau phẫu thuật.
Ý Nghĩa
Phẫu thuật và các phương pháp điều trị chuyên sâu như cắt toàn bộ tuyến giáp hoặc RAI có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân , nên được hạn chế ở những trường hợp ung thư tiến triển hoặc có nguy cơ cao.
Hỗ trợ tâm lý là yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, đặc biệt ở những người lo âu hoặc có thay đổi tâm lý kéo dài.
Mặc dù tiên lượng ung thư tuyến giáp rất tốt, quá trình điều trị có thể gây tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Việc tối ưu hóa phương pháp điều trị và cung cấp hỗ trợ tâm lý là cần thiết để nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
BS Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt)