Y học và đời sống

Cắt bỏ tinh hoàn hoại tử sau đau bụng vài tiếng

Chỉ vì chủ quan với tình trạng đau tinh hoàn trái và đau vùng bụng trong vài tiếng mà nhiều người đã phải cắt một bên tinh hoàn, thậm chí trở thành người đàn ông vô sinh.
tinh hoàn

Ca phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn hoại tử tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn.

Tưởng đau bụng thông thường nào ngờ mất tinh hoàn

Bé trai Đỗ Chấn H. sinh năm 2012 (Văn Lâm, Hưng Yên) bị đau tinh hoàn trái và đau vùng bụng dưới từ sáng 4/9. Gia đình chủ quan, thiếu hiểu biết cộng với trẻ vẫn chơi được, tưởng con đau bụng thông thường nên không đi khám. Sáng ngày 5/9, thấy con đau quá không đi khai giảng được gia đình mới đưa con đi khám và được kết luận xoắn tinh hoàn. Các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu tức hy vọng có thể tháo xoắn cứu tinh hoàn nhưng tinh hoàn bên trong đã bị hoại tử tím đen, không có khả năng bảo tồn nên buộc phải cắt bỏ bên tinh hoàn trái.

ThS Đinh Hữu Viện, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, người trực tiếp phẫu thuật cho H. cho biết, trường hợp của H. không phải là cá biệt. Bệnh viện đã phải cắt bỏ tinh hoàn hoại tử cho rất nhiều bệnh nhân không chỉ trẻ em mà cả người lớn. Nguyên nhân đơn giản là do mọi người thiếu hiểu biết về bệnh xoắn tinh hoàn, chủ quan với đau bụng, đau tinh hoàn không đi khám ngay dẫn tới phải cắt bỏ tinh hoàn.

Theo ThS Đinh Hữu Việt, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu khẩn cấp trong chuyên khoa nam học. Đó là hiện tượng thừng tinh (cuống của tinh hoàn) bị xoắn quanh trục của nó làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng tinh hoàn, gây hậu quả là tinh hoàn bị thiếu máu, dẫn đến hoại tử, vì vậy nếu điều trị không kịp thời sẽ phải cắt bỏ. Thông thường nếu được chẩn đoán sớm và xử trí trong vòng 6 giờ tính từ lúc có biểu hiện đau thì có thể khắc phục được và giữ nguyên tinh hoàn. Trường hợp bệnh nhân vào viện muộn sau một ngày thì thường phải cắt bỏ.

xoắn thừng tinh khiến tinh hoàn hoại tử thâm đen phải cắt bỏ.

Dễ chẩn đoán nhầm và mổ muộn có thể vô sinh

ThS Đinh Hữu Việt cho biết, xoắn tinh hoàn thường xảy ra khi tinh hoàn chưa cố định ở túi bìu và di chuyển bất thường, đặc biệt khi tinh hoàn nằm trong ống phúc tinh mạc. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra và tự tháo nhiều lần. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất  ở lứa tuổi từ 10 đến 25. Hiện nay, chưa tìm được nguyên nhân chính xác của bệnh xoắn tinh hoàn nhưng yếu tố dễ gây bệnh là: do sự chuyển đổi đột ngột nội tiết tố trong cơ thể khi bước vào lứa tuổi dậy thì; bệnh nhân có tinh hoàn ẩn hoặc sau chấn thương tinh hoàn; nhiệt độ lạnh đột ngột và độ ẩm cao….

Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là đau đột ngột vùng bìu, phần bìu bị sưng. Bệnh nhân cũng có thể nôn và ói mửa, đôi khi đau bụng dữ dội. Đặc biệt, khi sờ sẽ thấy một tinh hoàn ở vị trí cao hơn bình thường. Chẩn đoán xoắn tinh hoàn không phải dễ bởi nhiều bệnh lý ở tinh hoàn có triệu chứng tương tự như viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, chấn thương tinh hoàn. Hơn nữa, khi đau “cậu nhỏ” nam giới có tâm lý ngại ngùng nên coi thường, không đi khám khi có triệu chứng bất thường, đến khi không chịu nổi thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

ThS Đinh Hữu Việt Nhấn mạnh, tinh hoàn xoắn nếu phát hiện sớm càng có nhiều cơ hội điều trị thành công. Trong vòng 6 giờ phát bệnh, tinh hoàn có thể bảo tồn khoảng 90%. Sau 12 giờ, cơ hội cứu tinh hoàn khoảng 50%. Sau 24 giờ, tinh hoàn có thể bảo tồn chỉ khoảng 10%. Vì vậy, để phòng tránh bệnh cần kiểm tra bìu thường xuyên. Nếu thấy bìu thỉnh thoảng bị trống chỉ có một bên tinh hoàn hoặc thấy đau bất thường ở vùng kín thì cần phải đến bệnh viện để kiểm tra tránh việc phải cắt bỏ tinh hoàn khiến nam giới dễ tự ti, mặc cảm và có thể vô sinh do tinh hoàn còn lại hoạt động kém hiệu quả.

 “Xoắn tinh hoàn là bệnh lý không thể dự phòng, vì vậy cha mẹ cần chú ý. Khi tắm nên kiểm tra phần dưới cho con, đồng thời dạy con những kiến thức cơ bản về những triệu chứng của bệnh lý này để phát hiện sớm và điều trị kịp thời”.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP