Dữ liệu y khoa

Cấp cứu đột quỵ chảy máu não do tăng huyết áp

  • Tác giả : PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm
(khoahocdoisong.vn) - Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ chảy máu não. Tỷ lệ tăng huyết áp ở giai đoạn cấp đột quỵ chảy máu não chiếm khoảng 80% số bệnh nhân. Bệnh thường khởi phát đột ngột làm mất chức năng của não, gây tổn thương thần kinh khu trú: Liệt hoặc bại nửa người, liệt dây thần kinh số VII trung ương, có hoặc không có rối loạn cơ vòng, có hoặc không có rối loạn ngôn ngữ.

Đột quỵ chảy máu não do tăng huyết áp nếu không có tổn thương vỏ não vùng vận động hoặc đường dẫn truyền vận động thì không có tổn thương thần kinh khu trú, có hoặc không có hội chứng màng não, có rối loạn ý thức, triệu chứng này rất có ý nghĩa khi không có tổn thương thần kinh khu trú: Ý thức xấu đi đột ngột có thể ngủ gà, lú lẫn, thờ ơ, đờ đẫn hoặc hôn mê.

Cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ chảy máu não bằng cách:

+ Bất động, giữ thông đường thở, thở oxy.

+ Duy trì các chức năng sống.

+ Hạ huyết áp.

+ Chống phù não.

+ Sử dụng thuốc cầm máu.

+ Can thiệp mạch hoặc phẫu thuật (nếu có điều kiện).

+ Xét nghiệm cần làm ngay: Soi đáy mắt, chọc dịch não tuỷ, CT scan sọ não.

Về thuốc, cần hạ huyết áp cho bệnh nhân xuống càng nhanh càng tốt nhưng không hạ huyết áp xuống tới mức bình thường. Nên duy trì huyết áp tâm thu ở mức 160 - 180 mmHg vì tưới máu não phụ thuộc vào chênh lệch áp lực giữa huyết áp và áp lực nội sọ, khi xuất huyết não, ổ xuất huyết cùng với phù não sẽ làm tăng áp lực nội sọ, vì vậy nếu hạ huyết áp xuống mức bình thường có thể gây thiếu máu não. Cần chú ý, khi xuất huyết não thường có tăng huyết áp phản ứng, do đó cần đề phòng tụt huyết áp khi dùng thuốc hạ huyết áp. Ngoài ra, sử dụng thuốc chống phù não, thuốc chống đông, tăng tuần hoàn não và can thiệp cầm máu. Can thiệp mạch qua da để nút phình mạch hoặc nút dị dạng mạch máu não bằng coin; Phẫu thuật lấy khối máu tụ và làm giảm áp nội sọ.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (BV Quân y 103)

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm

BẢN DESKTOP