Dữ liệu y khoa

Cấp cứu bệnh nhân ngừng tuần hoàn

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Ngừng tuần hoàn vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người lớn, do người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời…

Ngừng tuần hoàn ngoại viện đa phần cấp cứu không thành công

Tại BV T.Ư Quân đội 108 nhóm bác sĩ Lưu Quang Minh, Hoàng Mạnh Vững, Lê Xuân Dương đã tiến hành khảo sát mối liên quan giữa một số đặc điểm của bệnh nhân ngừng tuần hoàn với kết quả cấp cứu ngừng tuần hoàn tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện. 147 bệnh nhân ngừng tuần hoàn từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2019 được theo dõi. Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 60,2±18,5 tuổi. Có 51,1% bệnh nhân ngừng tuần hoàn tại nhà với 70,1% tình huống ngừng tuần hoàn có người chứng kiến, tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân được vận chuyển đến khoa Cấp cứu bằng phương tiện cá nhân còn cao, chiếm tới 1/3. Chủ yếu bệnh nhân được đưa đến trong tình trạng ngừng tuần hoàn do bệnh tim mạch. Tất cả các bệnh nhân đều được làm điện tim tại khoa cấp cứu, trong đó 121 bệnh nhân có hình ảnh vô tâm thu (nhịp tim không thể sốc điện) chiếm tỷ lệ 82,3%. Theo các bác sĩ, đa phần bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện được cấp cứu không thành công, chỉ có 10 bệnh nhân tim đập lại, hồi phục tri giác chiếm tỷ lệ 6,8%. Các bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện được cấp cứu thành công có tuổi trung bình là 58,1±17 tuổi, thấp hơn so với bệnh nhân thất bại điều trị.

Nguyên nhân ngừng tuần hoàn ở bệnh nhân được cấp cứu thành công chủ yếu là suy hô hấp cấp (chiếm 30,9%), trong khi ở bệnh nhân cấp cứu thất bại nguyên nhân chủ yếu là bệnh lý tim mạch (chiếm 31,6%). Qua nghiên cứu, các bác sĩ nhận thấy, tuổi là yếu tố quan trọng góp phần gia tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong của các bệnh nói chung và ngừng tuần hoàn nói riêng. Bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện phần lớn nằm trong độ tuổi cao, thường có bệnh lý mãn tính kết hợp giai đoạn biến đổi nội tiết của cơ thể trong khi vẫn còn lao động, ý thức giữ gìn sức khỏe còn kém.

Hồi sinh tim phổi kết hợp sốc điện phá rung

Khảo sát mối liên hệ giữa nguyên nhân ngừng tuần hoàn và hình ảnh điện tim đồ tại khoa cấp cứu với kết quả cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện cho thấy, bệnh nhân có hình ảnh điện tim ban đầu có nhịp có thể sốc điện, cơ hội được cứu sống cao hơn những bệnh nhân còn lại. Điều này phù hợp với các khuyến cáo của quốc tế khi nhấn mạnh, hồi sinh tim phổi kết hợp với sốc điện phá rung càng sớm càng tốt khi có chỉ định để tăng khả năng cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn.

Theo các bác sĩ, hoàn cảnh tình huống ngừng tuần hoàn có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sống sót của bệnh nhân vì nó gián tiếp tác động đến phương thức cấp cứu, xử trí ban đầu cũng như thời gian ngừng tuần hoàn. Ở nghiên cứu này, khi người bệnh ngừng tuần hoàn tại nhà không có người chứng kiến và việc người nhà tự đưa bệnh nhân ngừng tuần hoàn đến viện có mối liên quan với nguy cơ thất bại điều trị. Do vậy tăng cường công tác tuyên truyền đào tạo kỹ năng phát hiện và xử trí cấp cứu cho cộng đồng sẽ góp phần cải thiện hiệu quả cấp cứu bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP