Thời sự

Cấp cứu 3 tuyến cứu trẻ 2 lần ngừng tim do đuối nước

  • Tác giả : Thúy Nga
Phải qua 3 bệnh viện hồi sức cấp cứu tích cực mới cứu sống được trẻ 7 tuổi ngã xuống ao nhà ngừng tim, ngừng thở. Mùa hè thường xảy ra đuối nước ở trẻ nên cha mẹ cần chú ý.

Thời gian qua, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận và nỗ lực cứu sống 1 trường hợp đuối nước ở trẻ em, với tình trạng bệnh lúc nhập viện đã rất nặng nề.

Ngày 25/05/2023, Khoa Hồi sức tích cực – chống độc tiếp nhận bé T.B.G.P. (7 tuổi, huyện Đô Lương). Trẻ bị tai nạn đuối nước, đã bị shock và ngừng tim ngoại viện. Theo lời kể của dì bệnh nhân, trẻ ngã xuống ao gần nhà khoảng 10 phút thì được phát hiện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, được người nhà sơ cứu và chuyển tới cấp cứu tại BV huyện.

Tại đây, trẻ được đặt ống nội khí quản và liên hệ chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Trên đường đi, trẻ tiếp tục xuất hiện ngừng tuần hoàn, phải chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để tiếp tục sơ cứu, rồi mới chuyển tiếp tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Trẻ nhập Hồi sức tích cực – chống độc với tiên lượng rất xấu, có thể tử vong bất kỳ lúc nào. Cùng với đó là nỗi lo trẻ có thể bị tổn thương não nặng nề do đuối nước, ngừng tim lâu. Những phương án điều trị tối ưu nhất, quyết tâm cứu trẻ bằng mọi cách được các bác sỹ khẩn trương áp dụng: trẻ phải thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, dinh dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, thực hiện chăm sóc cấp 1.

Cấp cứu 3 tuyến cứu trẻ 2 lần ngừng tim do đuối nước ảnh 1

Cấp cứu 3 tuyến cứu trẻ 2 lần ngừng tim do đuối nước

Và, như một điều diệu kỳ của sự sống, cùng nỗ lực của các y, bác sĩ các tuyến, sau 3 ngày, trẻ cai máy thở. Tiếp đó, 9 ngày sau, với sự quan tâm chăm sóc của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế khoa Hồi sức tích cực – chống độc, tình trạng bệnh của trẻ tiến triển tốt, tỉnh táo, nhanh nhẹn. Ngày 2/6, trẻ được ra viện.

BSCK1. Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc cho biết, đây là một trong số nhiều trường hợp đuối nước có liên quan đến trẻ rơi xuống ao hồ mà khoa Hồi sức tích cực – chống độc từng tiếp nhận, đặc biệt là đối với trẻ em tuổi học đường đang trong mùa nghỉ hè.

Theo bác sĩ Mạnh, phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ của riêng ai, mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội. Điều đặc biệt cha mẹ phải là những người đi đầu trong việc giám sát, khuyên răn con cái mình không được tự ý ra sông, suối, ao, hồ, các công trường đang thi công tắm, bơi lội nhất là trong mùa hè để tránh những mất mát đau lòng.

Khi biết con em mình tự ý đi tắm, bơi lội ở sông, suối, ao, hồ, bể bơi... cha mẹ phải đưa ra các hình thức xử lý cứng rắn; đoàn thanh niên các đơn vị, địa phương cũng nên chủ động nhắc nhở, cảnh báo các em trong dịp sinh hoạt hè để mỗi em luôn ý thức được sự nguy hiểm của việc đi tắm, đi bơi lội ở sông, rạch, ao, hồ, biển, bể bơi...

Gia đình và nhà trường cần trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nâng cao ý thức rèn luyện kỹ năng cứu hộ đuối nước của người lớn.

““Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em” mong rằng các bậc phụ huynh, nhà trường, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao kỹ năng, ý thức phòng chống do đuối nước cho các em. Bên cạnh đó, cần dựng các biển báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, hạn chế tối đa nhất những cái chết thương tâm, đau lòng đến với con trẻ” – BS Mạnh nhấn mạnh.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP