Chữa bệnh không dùng thuốc

Canh rau đắng + cá lóc = phòng trị ù tai

Các nghiên cứu của y học cổ truyền cho rằng: “Thận khai khiếu ra tai, thận chủ tuỷ, nếu bể tủy không đủ thì long óc, ù tai”. Bệnh này ăn uống bổ dưỡng phù hợp rất cần thiết. Sau đây là một số món ăn bài thuốc phòng trị ù tai theo “đối chứng trị liệu”.

Nếu người có tuổi ù tai thể chất gầy gò, bệnh phát từ từ, khi mệt mỏi bệnh tăng do “thận âm hư”, nên dùng bổ âm giàu dinh dưỡng như sau.

Bài 1 (rau ngót nấu canh hến): Rau ngót 150g, thịt hến 100g thêm gia vị nấu canh ăn.

Bài 2 (chè đậu đen): Đậu đen 100g, đường cát vừa đủ nấu chè ăn.

Bài 3: (đậu rồng xào thịt): Trái đậu rồng 100g thái lát, thịt heo ba chỉ 50g thêm gia vị xào ăn.

Bài 4 (sinh tố dâu): Quả dâu chín 100g, (tang thầm) ép nước uống, hoặc ăn tươi. Nếu bệnh đã lâu nên dùng.

Bài 5 (lục vị tiềm thịt vịt): Thục địa, hoài sơn, đơn bì, sơn thù, phục linh, trạch tả, cẩu kỷ, đương quy mỗi vị 14 -18g, thịt vịt 100g, tiềm ăn hoặc sắc uống.

Ngoài ra, nên tăng cường ăn các món như: Đậu phụng, đậu xanh, đậu đỏ, đậu mè các loại, nấm mèo, nấm hương nấm tươi khô các loại đều tốt.

Nếu ù tai kèm đau lưng mỏi gối, mệt mỏi chân không ấm do “thận dương hư”, nên dùng vị bổ thận dương giàu dưỡng chất như sau.

Bài 1 (giá đậu xào cật heo): Giá đậu 150g, cật heo làm sạch thái lát 100g, hành tây 50g gia vị xào ăn.

Bài 2 (cà rốt xào thập cẩm): Cà rốt 50g, hành tây 50g, hoa lý 50g, thịt bò 50g xào ăn.

Bài 3 (óc heo canh hẹ): Óc heo 100g, rau hẹ 100g, gia vị gừng tiêu vừa đủ nấu canh ăn.

Bài 4 (kiệu xào tôm): Củ kiệu tươi 100g thái lát, tôm tươi bóc vỏ, gia vị dầu hào xào ăn.

Bài 5 (chim cút hầm đinh lăng): Chim cút 1 con làm sạch, rễ đinh lăng, tươi 100g, đương quy 50g, hoàng kỳ 30g, cẩu kỷ 20g gia vị gừng hành hầm nhừ ăn.

Ngoài ra, nên ăn các món chế biến chủ yếu như cà rốt, cải xoang, bí đỏ, hành, hẹ, kiệu, rau mùi thì là, rau thơm các loại, thịt, cật động vật gồm dê, bò, heo, chim, gà… trái cây bơ, sầu riêng đều tốt.

Nếu tự nhiên bị ù tai điếc tai bệnh phát nhanh, khi tức giận bệnh tăng do “can đởm hỏa”, nên dùng vị bổ mát gan, thanh nhiệt như sau.

Bài 1 (canh ngao nấu dứa): Thịt ngao 50g, quả dứa, cà chua, giá đậu 30 – 40g gia vị hành hoa rau răm vừa đủ nấu canh ăn.

Bài 2 (rau càng cua xốt cà): Rau càng cua 200g, cà chua 50g, thêm hành hoa dầu hào mắm muối và ít tóp mỡ làm nước xốt chấm ăn.

Bài 3 (lẩu rau đắng cá lóc): Rau đắng 100g, cá lóc làm sạch 100g giá đậu, dứa, cải ngọt, gia vị vừa đủ nấu canh ăn.

Trên đây là một số món ăn dược thiên phòng trị ù tai, điếc tai, tai tai nghễnh ngãng. Ăn uống cần kiêng cữ nếu người nóng “thận âm hư”, hoặc do “can đởm hỏa” hạn chế thức ăn mặn, khô, cay, nóng như tiêu, ớt, tỏi, cá khô, muối mặn. Nếu người lạnh chân không ấm “thận dương hư” hạn chế ăn vị chua, đắng lạnh như nước đá, nước dừa, kem, cam, măng, cà.

Lương y Nguyễn Minh

(Trung tâm Y tế Vietsovpetro)

Từ Khoá

BẢN DESKTOP