Khoa học & Công nghệ

Cảnh giác với lũ quét và sạt lở đất

Từ ngày 23/6 đến nay, một đợt mưa lớn đã xuất hiện ở các tỉnh miền Bắc gây hậu quả nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, đây là đợt mưa bất thường, dị thường và khủng khiếp. Điều đáng nói, sau ngập lụt, người dân cần cảnh giác với lũ quét và sạt lở đất.

Người dân cần cảnh giác với lũ quét và sạt lở đất.

Sớm, khủng khiếp, dị thường

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, tại khu vực vùng núi phía Bắc nước ta trong 3 ngày vừa qua (từ 19 giờ ngày 23/6 đến 01 giờ ngày 26/6) đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, một số nơi có mưa rất lớn như Mường Tè (Lai Châu) 349mm, Mường Lay (Điện Biên) 195mm, Hà Giang 285mm, Bắc Quang (Hà Giang) 382mm, Ngân Sơn (Bắc Cạn) 213mm,…

Theo ông Lê Thanh Hải, đợt mưa lớn có nhiều điểm đặc biệt. Thứ nhất là đến sớm. Thông thường những trận mưa lớn như thế này phải đến tháng 7 -8 mới xuất hiện. Tuy nhiên, năm nay, mới cuối tháng 6, mưa lớn đã xuất hiện sớm.

Thứ hai, thay vì trải dài toàn Bắc Bộ như lẽ thông thường, đợt mưa này lại chỉ tập trung ở diện hẹp, nghĩa là chỉ tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Bắc Cạn, Tuyên Quang…Cụ thể, ngày 24/6, Hà Nội vẫn nắng nóng trong khi đó mưa như trút nước tại các tỉnh này và đặc biệt mưa to và mưa rất to ở một số huyện như Mường Tè (Lai Châu), Bắc Quang (Hà Giang)…

Thứ ba, đây là trận mưa có lượng mưa rất lớn. Những trận mưa lớn như thế này, trong quá khứ cũng rất hiếm gặp. Năm 2003, cũng có một trận mưa lớn xuất hiện sớm nhưng cường độ mưa nhỏ hơn trận mưa này rất nhiều. Mưa to trong 3 ngày đã khiến nhiều khu vực chìm trong bể nước và gây ra nhiều hậu quả nặng nề cả về người và của cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ông Lê Thanh Hải cho biết, hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên những hiện tượng dị thường về thời tiết xảy ra càng nhiều. Tháng 10 năm 2017, trận lũ và lũ quét kỷ lục xảy ra ở Hòa Bình, và năm nay lũ sớm kỷ lục đã xuất hiện. Điều này cho thấy, cần phải cảnh giác và theo dõi chặt chẽ những diễn biến bất thường của thời tiết.

Ths Trần Quang Năng, trưởng phòng Phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Ngay cả với các nước tiên tiến, việc dự báo mưa lớn cũng là rất khó. Việt Nam dự báo mưa lớn càng khó hơn bởi nước ta nằm trong khu vực khó dự báo nhất trên thế giới. Với dự báo mưa lớn, chúng ta có thể làm tốt ở dự báo định tính như khu vực nào xảy ra mưa lớn; dự báo định lượng (lượng mưa bao nhiêu) là cực khó. Thậm chí ngay cả trong 10 năm tới dự báo định lượng cũng không có tiến bộ nhiều kể bởi đây là giới hạn của khoa học, chúng ta chỉ có thể theo dõi chặt chẽ để có cảnh báo sớm.

Đề phòng đất no nước

Cùng với ngập lụt, các chuyên gia cảnh báo, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất là rất cao. Nguyên do là mưa xuống, đất đá đã bị no nước, nhất là ở vùng đất đá yếu, thảm phủ thực vật mỏng.

Dự báo nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang… Đặc biệt, lũ quét thường xảy ra rất nhanh và bất ngờ. Vì thế, bà con cần hạn chế đi lại qua sông suối sau lũ, khi thấy có những dấu hiệu bất thường (nước bị đục, hoặc nghe thấy tiếng nổ) thì lập tức phải di chuyển đến chỗ cao hơn…

Ngoài ra, do mưa lớn nên nguy cơ sạt lở đất tại các khu vực miền núi là rất lớn, vì thế khi thấy có dấu hiệu lạ (cây cối nghiêng đổ, tường nhà có các vết nứt…) cần nhanh chóng sơ tán tới, không nên lại gần những khu vực vừa xảy ra sạt lở bởi khu vực này đất chưa ổn định nên có nguy cơ sạt lở nữa. Ngoài ra, nên di chuyển nhà tới những nơi an toàn trong trường hợp chỗ ở cũ bị san lấp hoàn toàn hoặc quá nguy hiểm.

Sơn Hà

BẢN DESKTOP