Y học và đời sống

Cảnh giác với chứng rối loạn tâm thần ở thanh, thiếu niên

Giai đoạn học sinh lớp 9 và lớp 12 đang dốc sức ôn tập chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp, thi đại học, học sinh cũng dễ gặp các rối loạn tâm thần nên cần được phát hiện sớm để chữa trị kịp thời.

Áp lực học tập, thi cử là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn tâm thần ở thanh thiếu niên (ảnh có tính minh họa).

Rối loạn tâm thần là tình trạng bất thường của tâm trí. Cụ thể, người có rối loạn tâm thần thường khó phân biệt giữa những gì là thật và những gì là không thật trong cuộc sống. Rối loạn tâm thần thường xuất hiện lần đầu giai đoạn muộn của tuổi thanh thiếu niên hoặc ở lứa tuổi 20. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, giai đoạn đầu của rối loạn tâm thần được các nhà tâm thần học khuyến cáo cần hỗ trợ tâm lý và điều trị sớm.

Rối loạn tâm thần có tỷ lệ cao ở trẻ em và thanh thiếu niên

Trong mặt bằng chung của dân số, rối loạn tâm thần có tỷ lệ khoảng 3/100 người. Nó xảy ra ở cả nam giới, nữ giới và trên tất cả các nền văn hóa cũng như các tầng lớp xã hội. Thông thường khi nói đến tỷ lệ tử vong cao của bệnh nhân trong vòng 12 tháng sau chẩn đoán, người ta thường nghĩ đến các căn bệnh về ung thư. Tuy nhiên, những người trẻ mắc các rối loạn tâm thần giai đoạn đầu, sau chẩn đoán nếu không được quan tâm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong của những người này so với những người bình thường cũng rất cao.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: tự sát là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 5 sau bệnh lý tim mạch, ung thư, sự cố y khoa và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hầu hết những người tự sát là do bệnh lý tâm thần, đặc biệt có một tỷ lệ cao ở những người trẻ được chẩn đoán rối loạn tâm thần giai đoạn đầu.

Một số biểu hiện điển hình của rối loạn tâm thần là thay đổi cảm xúc, mất niềm tin vào cuộc sống, thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi… Và cũng có rất nhiều loại bệnh lý rối loạn tâm thần: tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách…

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn tâm thần là sự cô lập về cảm xúc, thanh thiếu niên lựa chọn không chia sẻ cảm xúc với ai; sử dụng quá nhiều internet; gia đình quá nghiêm khắc, kỳ vọng cao của cha mẹ, áp lực học tập, thiếu sự hỗ trợ, bị bắt nạt, sống xa gia đình…

Rối loạn tâm thần có thể hồi phục

Với những người trải qua giai đoạn đầu của rối loạn tâm thần thường rất đáng sợ, khó hiểu và gây phiền toái cho cả người bệnh và người thân của họ. Vì đây là lần đầu tiên nên cả người bệnh và những người thân của họ đều tỏ ra bối rối. Đôi khi sự thiếu hiểu biết và những suy nghĩ tiêu cực và quan niệm sai lầm của người nhà bệnh nhân liên quan đến bệnh rối loạn tâm thần có thể làm tăng thêm sự đau khổ và đôi khi là cái chết cho người bệnh.

Thậm chí nhiều gia đình còn giấu kín và không đưa người thân bị rối loạn tâm thần đến các cơ sở điều trị bệnh tâm thần để khám và điều tri. Các bác sĩ tâm thần và các nghiên cứu đã chứng minh rằng những người mắc bệnh rối loạn tâm thần có thể điều trị. Nhiều người có thể hồi phục sau giai đoạn đầu của rối loạn tâm thần và không bao giờ trải qua một cơn bệnh tâm thần nào khác.

Quan tâm, phát hiện và chữa trị kịp thời

Nghiên cứu do Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia và Viện Y tế Quốc gia Mỹ mới đây cho thấy những người trẻ tuổi đã từng trải qua những triệu chứng rối loạn tâm thần giai đoạn đầu mà không được chăm sóc y tế có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với người bình thường trong cùng độ tuổi. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về khoảng 5.000 người trong độ tuổi 16-30 đã được chẩn đoán rối loạn tâm thần.

Trong vòng 12 tháng đầu sau chẩn đoán, những người này có tỷ lệ theo dõi của các bác sĩ thấp cũng như việc hạn chế trong việc dùng thuốc chống loạn thần và điều trị tâm lý. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhóm này có tỷ lệ tử vong cao hơn ít nhất 24 lần so với những người cùng độ tuổi…

Nghiên cứu này là một lời cảnh báo cho chúng ta biết rằng những người trẻ tuổi bị rối loạn tâm thần cần được hỗ trợ về mặt lâm sàng và tâm lý xã hội một cách sâu sắc, sớm nhất và kịp thời nhất để tránh những hậu quả nặng nề xảy ra cho người bệnh cũng như gia đình của họ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi thấy người thân có biểu hiện bất thường trong cuộc sống, sinh hoạt, công việc, những thay đổi về cảm xúc, hành vi, tư duy, tri giác… cần đưa họ đi khám và điều trị kịp thời để bệnh chóng ổn định. Tránh việc ngại ngùng, che giấu. Khi được chẩn đoán có rối loạn tâm thần cần điều trị tích cực, không nên đi cúng, đi lễ hoặc nghe theo lời mách bảo phản khoa học… nếu không được điều trị, chứng rối loạn tâm thần sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và chất lượng sống của người bệnh và gia đình.

Theo PGS.TS. Cao Tiến Đức (SKĐS)

BẢN DESKTOP