Y học và đời sống

Cảnh giác viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ trong mùa hanh khô

  • Tác giả : Giang Thu
Viêm da cơ địa gây ngứa dữ dội khiến trẻ khó chịu quấy khóc, ăn ngủ kém, thường xuyên cào gãi hoặc chà xát, điều này làm da càng thêm tổn thương và dễ nhiễm trùng,...

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, viêm da cơ địa ở trẻ em - bệnh chàm là bệnh viêm da mạn tính, thường xuyên tái phát. Viêm da cơ địa khiến trẻ rất ngứa ngáy, khó chịu nhất là lúc thời tiết hanh khô.

Biểu hiện của bệnh là các mụn nước bị dập vỡ trên nền da dát đỏ, có rỉ dịch và đóng thành vảy tiết, lâu ngày dẫn đến da dày và khô, nhiều vết nứt, thường ở các vị trí như vùng đầu, mặt, cổ, vùng có nếp gấp: khuỷu tay, gối....Các tổn thương này dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm da khác như viêm da dầu, chốc, nấm da, viêm da do kí sinh trùng.

Viêm da cơ địa gây ngứa dữ dội khiến trẻ khó chịu quấy khóc, ăn ngủ kém, thường xuyên cào gãi hoặc chà xát, điều này làm da càng thêm tổn thương và dễ nhiễm trùng, bệnh kéo dài có thể dẫn đến nhiễm khuẩn da do tụ cầu, tổn thương thận, khớp. Ngoài ra, trẻ bị viêm da cơ địa cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, hen phế quản…

Trẻ bị viêm da cơ địa. Ảnh Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng

Trẻ bị viêm da cơ địa. Ảnh Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng

Các phương pháp điều trị trẻ bị viêm da cơ địa

Trẻ bị viêm da cơ địa rất cần được chăm sóc đúng cách, kịp thời để giảm bớt khó chịu và phòng tránh các biến chứng hoặc để lại sẹo ảnh hưởng thẩm mỹ.

Nguyên tắc điều trị viêm da cơ địa là phục hồi hàng rào của da, kiểm soát nhanh đợt cấp bằng thuốc chống viêm đồng thời duy trì tình trạng ổn định của bệnh bằng việc giữ ẩm da.

Việc giữ ẩm da là rất cần thiết, vừa có tác dụng chống khô da, vừa có tác dụng tránh ngứa và hạn chế tái phát. Việc dưỡng ẩm cần thực hiện hàng ngày và lâu dài sau khi triệu chứng bệnh đã được cải thiện và tùy vào mức độ của bệnh để lựa chọn các chế phẩm giữ ẩm, có thể là dạng lỏng, dạng kem hoặc dạng mỡ. Tùy theo giai đoạn của bệnh là mãn tính hay cấp tính mà có các điều trị phù hợp.

Thuốc chống viêm corticosteroid dạng bôi rất hiệu quả trong điều trị viêm da cơ địa, tuy nhiên nếu dùng lâu dài không đúng liều lượng, nồng độ và độ mạnh của thuốc thì sẽ xảy ra 1 số tác dụng phụ không mong muốn như teo da, giãn mạch… Do vậy, khi dùng thuốc nhóm này cần có sự chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng bội nhiễm hay mức độ ngứa mà bác sĩ sẽ có những chỉ định thuốc phối hợp kèm theo như: thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc chống nấm, thuốc chống ngứa…

Cách chăm sóc cho trẻ bị viêm da cơ địa

Để điều trị viêm da cơ địa, việc chăm sóc da cho trẻ là rất quan trọng, giúp bệnh được ổn định và tránh tái phát. Điều này cần sự tỉ mỉ khi chăm sóc và sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc và cha mẹ của trẻ.

Cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo chất liệu cotton, mềm, dễ thấm hút, hạn chế để đồ len, dạ tiếp xúc trực tiếp vào da của trẻ. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cũng cần hạn chế mặc đồ len, dạ thô ráp khi bế ẵm trẻ.

Cha mẹ không nên bôi, tắm cho trẻ bằng các nước lá không rõ nguồn gốc vì đây chính là nguyên nhân làm tình trạng bệnh của trẻ nặng thêm.

Luôn luôn chú ý loại bỏ các yếu tố kích ứng làm cho tình trạng của bệnh nặng lên ví dụ như bụi, mạt nhà, phấn hoa, lông súc vật,..

Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc thực phẩm lạ.

Ngoài ra, những trẻ bị viêm da cơ địa nên tắm bằng những loại sữa tắm dịu nhẹ, ít kích ứng và có tính chất dưỡng ẩm, tắm nước không quá nóng và không nên ngâm trẻ quá lâu.

Giang Thu

BẢN DESKTOP