Lên kế hoạch tự tử vì... trầm cảm
Trường hợp bệnh nhân N.T.L 19 tuổi nhập viện vì buồn chán, có ý định tự sát bằng cách treo cổ.
Khai thác thông tin, gia đình có 2 người con, nên L luôn cảm thấy bị thiệt thòi tình cảm khiến mâu thuẫn giữa hai chị em thường xuyên xảy ra. Khi người bố đột ngột ốm nặng, cô rơi vào trạng thái lo lắng, mất ngủ, chán ăn, sụt 3kg trong 2 tuần. Đồng thời, trẻ không còn hứng thú với học tập, xa lánh bạn bè, thường xuyên nghĩ đến cái chết và lên kế hoạch tự sát (mua dây về treo cổ).
![]() |
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ở Viện Sức khoẻ Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). |
Gia đình đã đưa trẻ đến Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Qua đánh giá lâm sàng và khai thác bệnh sử, các bác sĩ xác định trẻ đang ở giai đoạn trầm cảm nặng không kèm triệu chứng loạn thần, có hành vi tự sát.
Thêm trường hợp, bệnh nhân N.T.H 15 tuổi nhập viện sau khi uống thuốc diệt chuột tự sát.
Được biết, H sống với bố từ năm 6 tuổi sau khi bố mẹ ly dị. Người bố thường xuyên uống rượu, mắng chửi vô cớ và cấm con liên lạc với mẹ. Ở trường, H. bị bạn bè xa lánh, bắt nạt, nhưng không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình.
Người bệnh dần thu mình, mất ngủ, tự cắt tay và cuối cùng uống thuốc tự hủy hoại bản thân. Qua thăm khám tại Viện Sức khỏe tâm thần, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị trầm cảm nặng kèm hành vi tự sát, stress kéo dài.
Cả hai trường hợp đều cho thấy, trầm cảm ở tuổi vị thành niên thường khởi phát từ áp lực gia đình, mâu thuẫn xã hội và thiếu sự quan tâm kịp thời. Hậu quả không chỉ dừng ở suy giảm học tập mà còn đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân sinh bệnh đa dạng và phức tạp
Bác sĩ Bùi Văn Lợi, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, trầm cảm ở vị thành niên là một vấn đề sức khỏe tâm thần phức tạp, bắt nguồn từ sự tương tác của nhiều yếu tố khác nhau.
Về yếu tố gene-di truyền, trẻ có cha mẹ mắc trầm cảm có nguy cơ cao gấp 2 lần. Những trẻ có tính cách nhạy cảm, khó chia sẻ cảm xúc; gia đình có yếu tố ly hôn, bạo lực, thiếu quan tâm; trẻ ở trường bị bắt nạt, áp lực thi cử... cũng là yếu tố gây ra trầm cảm ở trẻ.
Ngoài ra, các sự kiện trong cuộc sống như bỏ học, cha mẹ mất, khó khăn tài chính trong gia đình, mất bạn bè hoặc thành viên trong gia đình bị bệnh cũng có thể là yếu tố nguy cơ gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên.
Những người trải qua các trải nghiệm tiêu cực nghiêm trọng trong thời thơ ấu như bị lạm dụng, bạo hành, trải qua các triệu chứng trầm cảm cao hơn khi phải đối mặt với các yếu tố gây căng thẳng hiện tại.
Bác sĩ lưu ý, không phải ai tiếp xúc với trải nghiệm đau thương cũng trở nên chán nản. Tính cách và thời điểm xảy ra các sự kiện đều liên quan đến mối quan hệ giữa trầm cảm và các sự kiện cuộc sống căng thẳng, mặc dù các yếu tố sinh học như chức năng serotonergic cũng bị ảnh hưởng.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm tuổi vị thành niên
Theo bác sĩ Lợi, các biểu hiện trầm cảm ở tuổi vị thành niên có thể rất đa dạng và dễ nhầm lẫn với "tính khí tuổi mới lớn", nhưng nếu thấy trẻ có những dấu hiệu sau kéo dài, phụ huynh nên đặc biệt chú ý:
- Cáu gắt vô cớ, dễ nổi nóng;
- Mất hứng thú với mọi thứ, kể cả những sở thích trước đây;
- Hay than buồn, cảm thấy vô dụng, thất vọng về bản thân;
- Khó tập trung, kết quả học tập sa sút;
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều;
- Tự làm đau bản thân, nghĩ về cái chết hoặc có hành vi tự sát.
Bác sĩ Lợi cho biết nhiều bệnh nhân trầm cảm tuổi vị thành niên không được phát hiện sớm do gia đình chủ quan, thiếu quan sát. Khi bệnh nhân xuất hiện hành vi tự tử, tình trạng bệnh đã trở nên nghiêm trọng thì gia đình mới phát hiện ra và đưa người bệnh đi can thiệp chuyên sâu.
Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là chìa khóa giúp trẻ vị thành niên vượt qua trầm cảm. Gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp chặt chẽ trong việc tạo dựng môi trường sống lành mạnh, hỗ trợ tâm lý và giáo dục kỹ năng ứng phó với căng thẳng cho trẻ, bác sĩ Lợi nhấn mạnh.